Bài: Đỗ Thị Thắm
Ảnh: CUCA, Lê Bích
Ở Việt nam các hoạt động về giáo dục nghệ thuật dành cho công chúng một cách bài bản, đầy đủ hầu như không có. Nghệ thuật vẫn được coi như một lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù, chỉ dành cho giới chuyên nghiệp. Công chúng hầu như không có điều kiện được gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, tương tác cùng nghệ sĩ, dẫn đến việc không hiểu, không quan tâm, thờ ơ với tác phẩm nghệ thuật, hoặc không có nền tảng kiến thức, đầy đủ góc nhìn để hiểu nghệ thuật một cách chủ động và khách quan. Điều đó dẫn đến thực trạng thiếu vắng những công chúng quan tâm và hiểu biết về nghệ thuật, và hệ quả của nó là nghệ thuật không có đất sống và phát triển.
Đó là bối cảnh để CUCA ra đời và cũng là mô hình tổng thể bao gồm các mảng hoạt động: giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập đầu tiên và duy nhất cho đến nay tại Việt nam. CUCA là mô hình giáo dục nghệ thuật dành cho công chúng duy nhất với mục đích tạo dựng nhóm công chúng dẫn dắt (leading audience) xây dựng phong trào văn hóa thưởng thức thẩm mỹ có nền tảng kiến thức nghệ thuật. CUCA kết hợp tổng thể 3 mảng hoạt động: giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật thành một tiến trình dài tìm hiểu, cảm thụ, thực hành và nghiên cứu nghệ thuật một cách bài bản cho người tham dự. Đối tượng công chúng tham dự CUCA đến từ nhiều thành phần trong xã hội: các công nhân viên chức, nhà kinh tế, nhà đầu tư, nhà báo, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội đến các giảng viên, sinh viên đại học. Mọi người đến với CUCA trên cơ sở tinh thần tự nguyện, quan tâm sâu sắc với nghệ thuật, để rồi có mong muốn chia sẻ, lan tỏa các giá trị của nghệ thuật tới những người xung quanh họ.
Các dự án của CUCA chú trọng vào các hoạt động giáo dục kiến thức nền tảng nghệ thuật (gồm các Khóa học về nghệ thuật thị giác, cảm thụ Âm nhạc, thực hành Múa đương đại), hoạt động thực hành nghệ thuật CUCA Practice (gồm các khóa học về hội họa và khóa thực hành thử nghiệm các thể loại nghệ thuật mới như installation, Video Art, Sound Art…) và hoạt động nghiên cứu (dự án cuca Research) – dự án nghiên cứu về nghệ thuật hoàn toàn được thực hiện bởi chính các học viên của CUCA. Các học viên tham gia dự án tiến hành nghiên cứu các vấn đề nghệ thuật một cách độc lập vớisự hỗ trợ chuyên môn và kết hợp đi nghiên cứu tại thực địa (CUCA Art tour) trong nước và nước ngoài (trong khu vực châu Á) hàng năm; gặp gỡ, trao đổi, làm việc trực tiếp tại Xưởng cùng các nghệ sĩ. Sau mỗi khóa học, các học viên của cuca sẽ thực hiện việc tổng kết lại nội dung kiến thức, triển lãm báo cáo kết quả đối với những khóa học mang tính chất thực hành, tọa đàm (CUCA Art talk) và ấn phẩm nghiên cứu.
Ngoài lớp học, “mỗi người sẽ duy trì việc nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục tự trang bị cho mình những kiến thức phù hợp với gu thẩm mỹ và nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật của mình, để có thể tạo ra được cá tính và sự tự định hướng thẩm mỹ riêng biệt của từng cá nhân. Mỗi cá nhân có gu thẩm mỹ riêng, yêu thích và biết thưởng thức nghệ thuật sẽ tạo ra một cộng đồng nghệ thuật phong phú và đa dạng”, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương (người sáng lập và điều hành CUCA) cho biết. Giám tuyển Nguyễn Như Huy đánh giá: “CUCA cho ra đời ý niệm mới về “Công chúng nghệ thuật”. Giờ đây, công chúng nghệ thuật đã trở thành những người tham gia năng động tới một mức độ mà họ đã có thể trở thành một thành phần hữu cơ không thể tách rời của các dự án nghệ thuật, và vì thế, có thể cùng tạo ra kiến thức và diễn ngôn với các giám tuyển và nghệ sĩ, để rồi bắt đầu cùng nhau xây dựng một cộng đồng nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt nam”.
Học viên của CUCA chia sẻ sau khi tham dự những hoạt động đầu tiên và hiểu được tinh thần học tập ở CUCA: “Không còn cảm giác “tôn thờ” nghệ thuật như trước đây, nhưng bù lại, là sự đồng cảm lớn hơn, nhân văn hơn với những cảm nhận của người nghệ sỹ, và sự tôn trọng những giá trị nghệ thuật đích thực có được nhờ lao động nghệ thuật chân chính và ”tử tế” (chị Minh Hạnh, cán bộ Quỹ phát triển Quốc tế Anh).“CUCA đã giúp mình định hình rõ hơn và có thể lý giải cho bản thân vì sao lại thích một bức tranh nào đó, một bản nhạc nào đó, chứ ko chỉ là cảm giác cảm tính như trước, và có thể biểu hiện sự thích thú đó với người khác bằng lời nói, mô tả cụ thể. Bên cạnh đó, cũng thôi thúc bản thân có ý thức tìm hiểu kĩ hơn về những gì tai nghe mắt thấy xung quanh, sự tương tác giữa các sự vật, sự việc, màu sắc, âm thanh, đường nét, cảm xúc, và nhìn nhận ở nhiều góc độ” (chị Mỹ Phượng, ngân hàng Vietcombank).
Với mong muốn hỗ trợ việc cảm thụ nghệ thuật cho công chúng, các hoạt động bền bỉ của CUCA từng bước một đã giúp nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng, giúp hình thành một lớp công chúng có thể cảm nhận nghệ thuật một cách bài bản, am hiểu, và vì am hiểu nên họ tôn trọng sự đa dạng của văn hóa.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: