Bài: Lương Xuân Đoàn
Ảnh: Trần Lưu Tuấn
Đến tận 2 năm gần đây, sau những chần chừ từ cuộc triển lãm tranh trừu tượng cá nhân đầu tiên năm 1999, họa sĩ cầm tuổi Quý Mão (1963) Trần Lưu Mỹ (Kỳ) mới thỏa bút lực, để rồi 38 tác phẩm ra đời là sự đối diện với những “khoảng trống” của chính mình.
Ngày ấy, Mỹ đã cùng đồng nghiệp đồng niên Mai Anh Châu “cất giọng” lần đầu bên lề cuộc Triển lãm Trừu tượng toàn quốc đầu tiên năm 1992 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Một cuộc chiến nghệ thuật dằng dai, gây tranh cãi giữa cấp tiến và bảo thủ, giữa phê bình “đao phủ tìm diệt” với thế hệ đầu tiên của mỹ thuật đổi mới ở Việt Nam.
Đương nhiên là Trần Lưu Mỹ đã bước thẳng, tự bảo trọng bản thể lành sạch của mình khi can đảm đối diện với những khoảng trống nghiệt ngã không buông ai..
Sống để vẽ, vẽ để sống, sống là vẽ, vẽ là sống như bùa chú siêu hình luôn hiện hữu thường ngày, thường nhật bất kể nơi đâu, lúc nào trong cõi vắng tâm linh của Mỹ. Với tâm – tình bao giờ cũng liền kề. Nó là hơi thở song đôi để Mỹ gọi mạch bút phóng khoáng tràn rộng nơi bức họa. Mỹ có cách nhớ phố, gọi mùa thật lạ. Cửa cứ để ngỏ cho muôn mặt phố ra vào, bâng quơ thả nét, buông màu. Mùa cứ đột nhiên gọi mùa trong tâm tưởng theo ngày cũ, mùa xưa dọc đôi bờ ký ức. Trần Lưu Mỹ có thể hồn nhiên rất tình cờ mà làm tôi và bạn khóc, mắt cười cũng là một cách âm thầm giấu những giọt nước mắt vào tâm hồn bạn và tôi. Hình sắc kia đang hóa thạch nét đẹp ai vừa vụt hiện ở bên trời. Đau đớn kia đang hóa giải sự mềm lòng bởi những vệt màu tươi mà không không sắc sắc.
Biết làm sao, trong không gian đa cảm của tâm hồn tôi lại chợt hiện hình bóng người cha của Mỹ – Họa sĩ Trần Lưu Hậu, một đại diện xuất sắc của thế hệ họa sĩ khóa kháng chiến, có đóng góp quan trọng cho sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật, cho xu thế đa dạng về khuynh hướng sáng tạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam, can đảm từ chối những thói quen của tư duy bao cấp bảo thủ mà ông coi đó là sự cản trở trong xu thế phát triển nghệ thuật, cản trở tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Những năm tháng cuối đời, ông đã chống chọi thật nhẹ nhõm với bệnh tật hiểm nghèo bằng ngôn ngữ hào sảng, tinh túy của nghệ thuật. Trên tấm toan trải rộng nơi sàn nhà, ông ngồi trên xe lăn thả màu cuốn theo đôi tay bay múa, điều khiển vòng bánh xe lúc này đang cuồn cuộn ngũ sắc thả cây, mây cùng hơi thở lúc dập dồn, khi ngưng lặng của cảm xúc vô bờ. Một chớp buồn trong ánh mắt xa xăm. Ai gọi ai, ai đợi ai khắc khoải ở bên trời? Ai biết?
“Khoảng trống” này là “lời dâng” đẹp đẽ, nguyên vẹn bản thể lành sạch mà Trần Lưu Mỹ dành tặng cha. Chớp mắt mà hai thập niên. Nét tìm nét, màu gọi sắc, mùa đợi mùa thật lạ. Đông theo xuân, ai cuống quýt theo ai…
“Khoảng trống” này tràn bờ, phá cõi vẫn nguyên khôi. Mùa thứ năm, mùa lạ Mỹ dâng đời.
Xem thêm: