Đỗ Thị Thắm

Các triển lãm nghệ thuật quốc tế như Biennale, Triennale, hội chợ nghệ thuật Art fair… đã có sự góp mặt tham gia khá thường xuyên của các họa sĩ đại diện cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Những thập kỷ gần đây, hoạt động định kỳ của loại hình nghệ thuật thị giác quốc tế như Biennale (tổ chức hai năm một lần), Triennale (mỗi 3 năm), Art fair (hội chợ nghệ thuật) thường niên,… đã không còn xa lạ với giới làm nghệ thuật và công chúng. Tần suất tham gia của các họa sĩ Việt Nam vào các sự kiện này cũng khá thường xuyên. Các curator (nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức cho triển lãm, tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, lịch sử..), gallery nghệ thuật, nhà sưu tập tranh… là những đối tác có công lớn trong việc đưa tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam ra với những sân chơi chuyên nghiệp của thế giới này.

“Thời gian” - họa sĩ Lê Thanh Tùng tại Lễ hội văn hóa Con Đường Tơ Lụa 2015” (Tây An - Trung Quốc)

Không thể phủ nhận vai trò của các curator như Trần Lương, Nguyễn Như Huy, khi các ông là những người có con mắt tuyển chọn và tiến cử các nghệ sĩ Việt Nam ra với các liên hoan nghệ thuật Biennale, Triennale của thế giới. Từ năm 2006, những tên tuổi nghệ sĩ đương đại xuất sắc của Việt Nam đã góp mặt tại các liên hoan này như Lê Quang Đỉnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Tiffany Chung, Trương Tân, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Nguyễn, Nguyễn Trường Linh… Các loại hình nghệ thuật thị giác chính trong các Biennale bao gồm tranh, tượng, đồ hoạ, các loại video art, phim thực nghiệm, trình diễn, ảnh, sắp đặt, dự án nghệ thuật với sự tham gia của khán giả, dự án nghệ thuật phát triển cộng đồng, trao đổi tranh luận… Đây thực sự là nơi để người nghệ sĩ phô diễn các tác phẩm với những tầm chủ đề tư tưởng lớn, liên quan đến các vấn đề đương thời nóng hổi. Và vì tập trung vào tác phẩm mới và các khuôn mặt mới, nên các liên hoan này tạo nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ ở các vùng trũng của nghệ thuật có cơ hội xuất hiện. Từ đó làm bước đệm cho họ đến với các bảo tàng và bộ sưu tập lớn.

Tác phẩm Specula của Phi Phi Oanh tại Singapore Bienale 2013

Ở những sân chơi mang tính thương mại hơn, tại các Affordable Art Fair (hội chợ tranh giới thiệu nhiều phong cách, thể loại của nghệ thuật đương đại với một mức giá thấp), tranh của họa sĩ Việt Nam tham gia thông qua các gallery đại diện. Hà Nội Studio là một trong những gallery có công giới thiệu mỹ thuật đương đại Việt Nam tới các hội chợ này thường xuyên và rất sớm, từ những năm 2008 tại Affordable Art Fair New York, Singapore. Ở thị trường Đông Nam Á, các gallery như Mai, Ngàn Phố, Zen… cũng tham dự khá đều đặn Singapore Art Fair, Art Expo Malaysia từ năm 2009. Sắp tới, tại Affordable Art Fair London 2019, Hathor Art Gallery cũng sẽ giới thiệu 3 họa sĩ trẻ được lựa chọn từ 185 hồ sơ ứng viên. Các art fair gần đây chú trọng vào việc giới thiệu các họa sĩ trẻ, có tuổi đời khoảng 8x- 9x. Mới đây nhất, tại KAFA Internaltional Art Fair 2018 (Hàn Quốc), cũng có sự tham dự của hai họa sĩ trẻ là Lê Thanh Tùng và Nguyễn Minh Quân (đều mới 29 tuổi), trong đó Lê Thanh Tùng cũng là curator cho chương trình. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ khoa sơn dầu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung uơng Bắc Kinh, là đại diện của Việt Nam tham dự nhiều triển lãm quốc tế như “Experiencing China” (Trung Quốc), “Lễ hội văn hoá Con Đường Tơ Lụa” (Tây An – Trung Quốc)…

Hy vọng rằng, với lực lượng nghệ sĩ trẻ ngày càng sung sức, các môi trường nghệ thuật được mở rộng, mỹ thuật đương đại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển.

Có khoảng 160 Biennale & Triennale đang được tổ chức đều đặn trên toàn thế giới như Venice (Venezia/Italia), Documenta (Kassel/Đức), SaoPaolo (Brasil), Johanesburd (Nam Phi), Sydney, Queensland (Australia), Havana (Cuba), GuangZhu, Busan (Hàn Quốc), Yokohama, Fukuoka (Nhật), Liverpoor (Anh), Lion (Pháp), Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ). Các art fair như Affordable Art Fair (Anh), Affordable Art Fair Hong Kong,  Singapore Art Fair, KAFA Art fair (Hàn Quốc)… cũng là các hội chợ nghệ thuật có uy tín trên thế giới.