Vy Qunh

Tranh của cố họa sĩ Văn Giáo giúp các thế hệ người xem hiểu và cảm được trọn vẹn tinh thần dân tộc.

“Đất nước của mùa xuân” – Bột màu (1963)

Nói về gia tài nghệ thuật của cố họa sĩ Văn Giáo, người ta luôn kính trọng bởi sự đa dạng trong các tác phẩm, về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, về muôn vàn cảnh đẹp Việt Nam và về cuộc sống thường ngày của những con người bình dị. Qua tranh Văn Giáo, không chỉ những người đi trước mà cả thế hệ sau này – những người chưa được cảm nhận không khí hào hùng của đất nước, thêm một lần nữa, hiểu và cảm được trọn vẹn tinh thần dân tộc. Ấy hẳn đã là một điều trân quý!

Nhắc đến Văn Giáo, người ta không thể không nói đến những tác phẩm về phong cảnh quê hương của ông. Xem các tác phẩm, dễ nhận ra dấu chân Văn Giáo in trên khắp nẻo đường từ Bắc tới Nam. Đây chính là hiệu quả của phong cách sáng tác của ông: Đi – vẽ – triển lãm, đưa tác phẩm kịp thời vào đời sống. Ở ông đã định hình, định vị một phong cách hiện thực, giàu những phẩm chất cách mạng và trữ tình. Họa sĩ đã sớm thành công trong thể loại tranh này, bởi khả năng xử lý ánh sáng tinh tế mà không phải ai cũng có thể đạt được. Qua những thể nghiệm đầu tay, những tác phẩm của ông đã sớm bộc lộ khả năng đó một cách hiệu quả: ưa thích cảnh đẹp, say sưa với những phản quang phong phú và màu sắc nồng nàn. Chỉ một cảnh vật nhưng ở trong các không gian ánh sáng đa dạng: bình minh, trưa hè, hoàng hôn hay cả đêm tối; tất cả đều đem lại cho người xem cảm nhận khác nhau về cuộc sống. Nếu tác phẩm “Văn Miếu” với một ánh sáng ban ngày hội đủ khả năng tả thực, tả ánh sáng sống động, thì bức tranh “Đêm nay Bác không ngủ” đơn giản chỉ là cảnh nhà sàn Bác Hồ về đêm, với sắc màu ấm áp của ánh sáng lung linh của cây đèn nhỏ. Với tác phẩm rất trữ tình này, mặc dù không có hình ảnh Bác, họa sĩ vẫn cho người xem thấy được ý chí của Bác vẫn đang cháy bỏng và tỏa sáng trong ngôi nhà.­­­­­

“Tuy Hòa” – Bột màu (1947)

Nếu tranh phong cảnh là sở trường của Văn Giáo, thì tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là niềm đam mê bất tận mà ông cống hiến trọn vẹn hơn ba mươi năm của cuộc đời mình. Vẽ Hồ Chủ tịch thì đã có không ít họa sĩ vẽ, nhưng Văn Giáo là người đầu tiên vẽ chân dung Bác trực tiếp trong không khí cách mạng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Vốn là một người bộc trực và hết lòng, được trực tiếp tiếp xúc với Bác nên ông rất ngưỡng mộ và kính yêu Hồ Chủ tịch và Người đã trở thành một trong nguồn cảm hứng của cuộc đời người họa sĩ.

“Tìm gặp người thân” – Sơn dầu (1958)

Trong thế giới nghệ thuật, mỗi chất liệu đều mang trong mình một màu sắc, một cái hồn riêng, và chỉ có cái duyên mới gắn kết được người nghệ sĩ với chất liệu nghệ thuật đó. Họa sĩ Văn Giáo có duyên với chất liệu bột màu, cũng như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có duyên với chất liệu lụa, họa sĩ Nguyễn Gia Trí có duyên với chất liệu sơn dầu… Một người nghệ sĩ chân chính đều có thể nhận thấy rằng mọi chất liệu nghệ thuật đều bình đẳng, không có chất liệu “dễ vẽ” hay chất liệu “khó vẽ”. Người họa sĩ – người gieo hồn vào các tác phẩm qua chất liệu mới là người quyết định đâu là sở trường, đâu là sở đoản của bản thân, để từ đó kết duyên với tùy từng chất liệu khác nhau, mà đi đến tận cùng cái vẻ đẹp đặc thù nhất của nó. Với bột màu, đó không chỉ là một thế mạnh của ông mà nó đã trở thành một thương hiệu mang tên Văn Giáo.

“Tiến quân vào Tây Bắc” – Bột màu (1960). Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cùng dân tộc trải qua hai cuộc chiến vĩ đại, Văn Giáo đã cầm bút vẽ lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước bằng cả trái tim say đắm với đất nước, con người và lòng đam mê nghệ thuật. Vì thế, toàn bộ sáng tác của ông là một dòng chảy biến thiên theo lịch sử không ngừng nghỉ. Mỗi tác phẩm là một lời kể chuyện tâm tình về quê hương, là những khắc họa về cuộc chiến đấu khốc liệt giành độc lập của dân tộc Việt Nam, là chân dung những con người bình dị cho tới lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi, họa sĩ đi khắp nơi để ghi lại nhiều khoảnh khắc. Văn Giáo đã cống hiến cả đời cho hội hoạ và để lại những tác phẩm cho nền Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2016, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Văn Giáo, gia đình ông đã dày công tìm kiếm, sưu tầm như một cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật để in một tuyển tập tranh hoàn chỉnh – triển lãm tranh “Văn Giáo một hành trình” như một nén nhang thơm gửi tới hương hồn người nghệ sĩ.