Họa sĩ Đức Hòa
Với một chút kiến thức lịch sử để suy luận là bạn đủ biết: cách đây 3- 4 thế kỷ dân ta còn nghèo lắm, chỉ có hoàng gia, quan lại và các nhà giàu mới có nội thất lộng lẫy với ban thờ, bài vị, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng… Tuyệt đại đa số dân ta sống trong nhà tranh vách đất, phên liếp đơn sơ và u tối vì không có điện… Loại hình ảnh duy nhất để trang hoàng dán lên vách là tranh dân gian! Đây là kiểu tranh luôn rực rỡ, giá rẻ vì số bản in nhiều vô tận… khiến cho nhà nghèo cũng có thể mua một hai tờ tranh về dán vách chơi. Nhờ có tranh dân gian mà mọi nhà dân, dù sơ sài đến mấy cũng có điểm ngắm đẹp đẽ kèm theo những mộng mơ về hạnh phúc, no đủ, sinh sôi nảy nở…
Ngược dòng thời gian, ta được biết tranh dân gian sớm nhất có thể ra đời vào khoảng thời Mạc (1527- 1592) hoặc Lê Trung hưng (1592- 1789) là dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Muộn hơn một chút có dòng tranh Kim Hoàng ở Hà Tây cũ, ra đời khoảng cuối thế kỷ XVIII, tức là cuối Lê Trung hưng. Đó cũng là thời điểm có thể xuất hiện các dòng tranh Vũ Di (Vĩnh Phúc) và Hàng Trống (Hà Nội). Sang đầu thế kỷ XIX có thể là lúc dòng tranh Làng Sình (Huế) ra đời. Muộn nhất là tranh cúng Sài Gòn xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Khó đoán định niên đại nhất là dòng tranh thờ miền núi Việt Bắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Giáy… vì thầy mo- thầy cúng của các dân tộc này đồng thời là họa sĩ vẽ tranh thờ tự thuở nào chả rõ…
Lần theo cội nguồn, các nhà nghiên cứu đoán định: tranh dân gian Việt Nam có thể có 3 nguồn gốc: tranh minh họa kinh sách Phật giáo, tranh thờ Đạo giáo hoặc trực tiếp theo mẫu một số tranh dân gian Trung Quốc.
Mỗi dòng tranh dân gian lại có một số phận riêng. Dòng tranh Kim Hoàng đã thất truyền năm 1945 do nạn lụt và đói, dòng tranh Vũ Di có lẽ còn thất truyền xưa hơn nữa, dòng tranh cúng Nam Bộ hiện đã chuyển sang in máy như cách in tiền âm phủ. Dòng tranh Hàng Trống hiện chỉ còn duy nhất một nghệ nhân đã già là ông Lê Đình Nghiên. Nếu ông Nghiên sang thế giới bên kia thì dòng tranh này có cơ kết thúc bởi con ông bây giờ mới bắt đầu tập tô tranh mà kỹ thuật vờn màu của Hàng Trống thì tinh vi và nhiêu khê khiến cho ngay cả họa sĩ chuyên nghiệp cũng thấy ngại ngần. Chỉ có 2 dòng tranh Đông Hồ và Làng Sình là đang trở lại phục hưng sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Đặc biệt Đông Hồ luôn được khách du lịch quốc tế và các đoàn sinh viên ta về thăm và mua khá nhiều do tranh đẹp mà rẻ; vẫn còn vài nhà giữ được nghề tranh và đang ăn nên, làm ra; đồng thời làng còn một số con cháu khác đã di cư ra thủ đô Hà Nội mà vẫn giữ được nghề của cha ông.
Mỗi dòng tranh lại có kiểu cách và vẻ đẹp riêng. Trừ dòng tranh Vũ Di là tranh thờ Đạo giáo, cỡ lớn và hoàn toàn vẽ tay, còn các dòng tranh khác thường khắc trên gỗ để in lên giấy hoặc tô thêm màu. Bản khắc mảng thường trên gỗ mực hay mít, riêng bản nét thường trên gỗ thị hay vàng tâm để nét tinh và bền vì gỗ cứng lại dẻo. Tranh Đông Hồ đa số cỡ nhỏ, hoàn toàn in, nhiều màu sắc tươi tắn tự chế từ đất đá và thực vật tự nhiên, dù dán vách đất hay phên liếp vẫn bừng sáng bởi được in trên nền điệp lấp lánh. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp- nhà thơ Hoàng Cầm từng bình luận bằng thơ như vậy. Tranh Kim Hoàng gọi là tranh Đỏ vì luôn in trên nền giấy đỏ lấy may ngày Tết. Tranh Làng Sình chỉ in bản nét đen rồi tô màu. Tranh Hàng Trống cũng thế nhưng tô vờn màu phẩm, từ chuyên môn gọi là cản màu rất tinh tế và điệu nghệ, tạo ra hiệu quả rực rỡ mà sang trọng. Tranh thờ miền núi Việt Bắc là tranh Đạo giáo, khi vẽ, khi khắc-in, lại có khi dán nối dài vài chục mét để tiện cho màn cúng ma của các thầy mo, đôi lúc trông có vẻ ma quái! Tranh cúng Sài Gòn chỉ in nét đen trên giấy để khấn rồi đốt cho người cõi âm nên cỡ nhỏ mà đơn giản.
Loại tranh thờ thường lớn, có thể tới cỡ A0, in và vẽ các thần thánh, Phật, Mẫu và hổ… oai phong lẫm liệt hoặc hiền từ đức độ. Nổi bật trong số đó là các tranh Tứ phủ công đồng, Tam tòa, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ hổ… Cũng có khi đó là tranh Chủ- trình bày các chữ Nho cỡ lớn mà dân gian ưa chuộng để thờ như Phúc- Đức- Lưu- Quang… chẳng hạn. Loại tranh cầu phúc- vui chơi để dân gian thưởng lãm thường cỡ nhỏ, tầm A3 hay A4, có nội dung đáp ứng ước nguyện no đủ, sinh sôi nảy nở, đẹp đẽ… in hay vẽ các em bé mũm mĩm, tố nữ xinh đẹp, gà đàn, lợn đàn, chọi trâu, chọi gà, bịt mắt bắt dê… Nổi bật là các tranh Vinh hoa- Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn, Chọi gà, Chọi trâu, Gà Đại cát, Đấu vật, Trâu sen… của Đông Hồ hay bộ 4 cô Tố nữ, Bịt mắt bắt dê, Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tử tôn vạn đại của Hàng Trống.
Còn có cả thể loại tranh truyện trình bày các tích xưa như Thạch Sanh, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Kiều… thành các tranh bộ 4 hay 8 tấm cỡ lớn theo trục dọc với đông nhân vật và nhiều hoạt cảnh.
Loại thuần Việt có các tranh Hứng dừa, Đánh ghen… tả cảnh thế gian thường tình với đôi chút châm biếm của Đông Hồ hay Bản đồ canh nông, Chợ quê… của Hàng Trống. Đặc biệt là loại tranh về các Anh hùng dân tộc như Đổng Thiên vương, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, Trưng vương trừ giặc Hán, Bà Triệu, Ngô vương Quyền, Trần Hưng Đạo…
Chỉ duy nhất dòng tranh Đông Hồ sáng tạo ra mẫu tranh không ngừng suốt từ thời phong kiến đến nay. Thời Pháp thuộc, họ có các tranh Văn minh tiến bộ- toa tăng xương, Phong tục cải lương- moa tăng phú, Cóc Tây múa kỳ lân, Chuột Tàu rước rồng vàng… Thời kháng chiến chống Pháp họ ra các mẫu tranh Mừng độc lập, Bình dân học vụ, Tòng quân giết giặc, Đóng thuế nông nghiệp, Hòa bình, Cùng nhau múa hát mấy bài- Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang… Thời chống Mỹ họ có các tranh Tổ đổi công, Bộ đội… Thậm chí đã bắt đầu có tên tác giả như Đi cấy, Bắn rơi máy bay Mỹ, Bắt phi công Mỹ, Địch phá ta cứ đi I và II, Hợp tác xã mua bán, Đào mương chống hạn I và II, Sản xuất máy nông cụ… của nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, Hoan hô phụ nữ Việt Nam- Sản xuất chiến đấu đảm đang anh hùng của Nguyễn Đăng Chế. Dù đó đây có người không đánh giá cao các tranh hiện đại của họ nhưng ta vẫn phải công nhận sức sống mãnh liệt xuyên thời gian của tranh dân gian Đông Hồ- dòng tranh duy nhất chuyển tải nội dung thế sự suốt từ thuở phong kiến qua thời thực dân tới tận hiện đại.
Tranh dân gian Việt Nam quả là phong phú, xuất hiện ở nhiều vùng miền từ thôn quê ra thành phố, từ miền núi tới kinh đô, từ Bắc vào Nam… Tranh được dùng cho nhiều mục đích: từ thờ cúng đến chúc tụng, từ ước vọng tới vui chơi, từ chịu ảnh hưởng tranh dân gian Trung Quốc đến thuần Việt tả các Anh hùng dân tộc… Trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, có dòng tranh đã thất truyền nhưng cũng có dòng tranh vẫn sống mãnh liệt và đáp ứng thời sự của thời đại mới.