James Phạm
Bài thơ Nhất Chi Mai, ngót nghìn năm tuổi của Thiền sư Mãn Giác gợi đến thú chơi hoa đã đi sâu vào trong văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Niềm đam mê của người Việt với hoa xuân có thể thấy rõ khi đường phố Sài Gòn như phủ ngập trong hương sắc rực rỡ của muôn loài hoa vào những ngày Tết Nguyên đán.
Đường Nguyễn huệ ở trung tâm Sài Gòn đột nhiên ngừng mọi hoạt động để dành chỗ cho hội hoa xuân hàng năm dài tới 1km, với khoảng 100.000 chậu hoa xếp hàng tạo thành hành lang hoa lộng lẫy. Tuy thế, có hai màu chủ đạo thường thấy trong dịp Tết là màu đỏ và màu vàng. Màu đỏ tượng trưng cho an lành và hơi ấm, với hoa cúc đỏ, hồng thắm hay hoa trạng nguyên. Màu vàng, màu của kim tiền, bừng nở với những cúc đại đóa, vạn thọ, hướng dương, và đặc biệt là cánh mai vàng tươi mới của đất trời phương Nam.
Nếu như miền Bắc có hoa đào thì người Nam Bộ tự hào có hoa mai vàng. anh Vương, chủ cửa hàng Mai Tết Bảo anh tâm sự: “hoa mai gợi nên cái gì đó rất tâm linh. Nếu hoa nở rộ vào dịp Tết tức là cả gia đình năm đó sẽ sung túc, hạnh phúc và may mắn trong kinh doanh.
Với nhiều người, chỉ một cành hoa mai vàng cũng đủ báo hiệu tương lai tốt đẹp. Những cây nhỏ giá đã lên tới 1 triệu đồng. Trong số gần 1.000 cây hoa mai trong 6 khu vườn của anh Vương ở quận Thủ Đức mạn phía bắc thành phố, cây hoa đắt nhất từng có theo lời anh có giá tới 1 tỉ đồng. “Cách đây mấy năm có người trả tôi 700 triệu đồng mà tôi không bán. Cây ấy năm nay đã 80 tuổi rồi mà còn khỏe và đẹp lắm. Rễ của nó rất chắc và bền”. Những ai không đủ tiền để mua đứt một cây về chơi hay không có thời gian, tài lực để chăm sóc cây suốt cả năm mà chỉ đơn giản muốn thưởng hoa trong vòng từ 2 đến 4 tuần, có thể sử dụng dịch vụ cho thuê hoa với giá bằng 30% giá mua. Bạn chỉ việc chọn cây mai vàng ưa thích rồi nhờ người chở đến tận nhà, đảm bảo là cây sẽ nở hết hoa đúng dịp Tết cổ truyền. Chơi được khoảng 20 đến 30 ngày sau Tết thì cây lại được bứng trở lại vườn và chăm sóc từ đó cho đến Tết năm sau. Một số người có hẳn chậu hoa mai của riêng mình rồi thuê cả người chăm sóc cây.
Anh Vương kể: “công việc khó khăn lắm đấy. Chúng tôi luôn cố gắng chăm chút cây thật cẩn thận, tưới nước, rồi tỉa cành, bón phân đúng vụ, đúng thời điểm. Thế mà thi thoảng cây vẫn chết. cái đấy cũng tự nhiên thôi nhưng mà khách thường chỉ trả tiền khi nhận cây nên coi như bao công sức chăm bẵm của tôi không còn giá trị. Khách đã có ảnh chụp cái cây lưu từ năm ngoái nên họ biết ngay cây này có phải của họ hay không. Làm nghề trồng mai này cũng mong manh lắm”. Anh Vương gút lại công việc kinh doanh thầm lặng của mình trong suốt mười một tháng mỗi năm. Và khi được hỏi đâu là lí do anh gắn bó với nghề trồng mai, anh tự hào mà nói rằng: “Là do truyền thống. Đấy là di sản mà các cụ để lại cho hậu thế tụi tôi. Kể cả khi gia cảnh có chật chội, bức bí đến mấy, cứ nhìn mấy nhành mai vàng nở vào dịp Tết là thấy sáng cả nhà rồi. Không có mai vàng thì còn gì là Tết nữa!”.
Xem thêm: