Bài: TS. Nguyễn Thị Hậu
Ảnh: Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh được biết đến là “một vùng đất có lịch sử 300 năm” từ khi các chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính vào năm 1698. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện lịch sử hơn 3.000 năm của vùng đất này. Một trong số đó là việc phát hiện ra một “kho báu” đồ trang sức quý trong các ngôi mộ chum tại huyện Cần Giờ. Đây là vùng cửa sông vịnh biển với hệ sinh thái “rừng ngập mặn” nằm ở phía đông nam và là cửa ngõ ra biển của Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Khuyên tai ba mấu bằng đá ngọc

Tại đây có di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ là hai khu mộ táng đặc biệt: trong chum gốm người chết được chôn trong tư thế ngồi bó gối, giống như lúc nằm trong bụng mẹ. Trong hơn 200 ngôi mộ ở đây, có rất nhiều đồ tùy táng gồm đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, công cụ lao động bằng đồng, sắt… Đặc biệt rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, có hạt chuỗi hình “đốt trúc” có gai nhỏ, hình cầu dẹt như trái bí đỏ, những mảnh vàng chạm thủng hình tam giác nhỏ… Đây là những di vật bằng vàng có niên đại sớm nhất trong các di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Đông Nam Á.

Các loại hạt chuỗi mã não, đá ngọc và thủy tinh có hình dạng phong phú. Vòng tay có nhiều kích cỡ, làm bằng vỏ sò ốc, đá quý, thủy tinh nhiều màu; khuyên tai “ba mấu” hình tròn có ba mấu nhọn ngắn hoặc dài và móc đeo cách đều và đối xứng nhau, làm từ đá ngọc, thủy tinh, mã não và cả bằng gốm…

Vòng tay bằng thủy tinh

Độc đáo nhất là loại khuyên tai “hai đầu thú” bằng đá ngọc và thủy tinh được tạo hình có hai đầu thú ngược chiều nhau, ở giữa thân là móc đeo vào tai. Đầu thú có hai sừng, mặt thon, miệng nhô ra, mắt to mí mắt rõ ràng. Sưu tập gần 30 chiếc có hình góc cạnh vuông vắn hay nhiều đường cong uốn lượn mềm mại, các đường nét chạm khắc tinh tế và sắc sảo, miêu tả đầy đủ những bộ phận như sừng, mắt, miệng một cách sinh động, chứng tỏ khuyên tai hai đầu thú được chế tác thủ công đơn chiếc nên có sự đa dạng và độc đáo trong từng sản phẩm. Loại khuyên tai này được tìm thấy trong cả mộ người nam và người nữ ở độ tuổi trung niên đến già, thường được chôn cùng với nhiều đồ tùy táng quý giá. Chắc hẳn đây là mộ của những người giàu có hoặc có địa vị quan trọng trong cộng đồng cư dân đương thời.

Khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc

Tại đây còn tìm thấy một “bảo vật quốc gia” là chiếc khuyên tai hai đầu thú có kích thước lớn, mỏng dẹt giống một chiếc khánh. Hình dáng độc đáo và duy nhất của chiếc khuyên tai này cho đến nay mới chỉ thấy ở Cần Giờ.

Đặc biệt tại đây, một di cốt sọ còn khá nguyên vẹn có một chiếc khuyên tai nằm ở mang tai trái. Phát hiện này đã góp phần khẳng định từ xa xưa đã có hiện tượng đeo một chiếc khuyên tai chứ không nhất thiết phải đeo cả hai bên.

Hiện nay, khuyên tai hai đầu thú được tìm thấy nhiều trong văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Cần Giờ ở Việt Nam và một vài di tích ở Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Indonesia. Tuy nhiên ở Cần Giờ có số lượng khuyên tai hai đầu thú nhiều nhất (hơn 30 chiếc). Về con thú được chạm khắc thành khuyên tai, nhiều nhà khảo cổ cho rằng đây là con trâu – con vật linh thiêng trong các nghi lễ của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á.

Hạt chuỗi bằng mã não

Các nhà khảo cổ cũng cho rằng có nhiều khả năng Cần Giờ là nơi sản xuất ra các loại khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu và những loại đồ trang sức kể trên. Kỹ thuật chế tác trang sức ở đây mang dấu ấn của nghề kim hoàn Ấn Độ. Sưu tập trang sức thủy tinh ở Cần Giờ đã cho biết niên đại chế tạo thủy tinh tại đây là sớm nhất ở Đông Nam Á.

Trang sức cổ ở vùng đất Sài Gòn đã góp thêm tài liệu khảo cổ quý báu cho văn hóa Đồng Nai ở Nam bộ, bên cạnh văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung. Đây là ba trung tâm phát triển rực rỡ trong thời tiền sử ở Việt Nam.