Bài: Nguyễn Trung
Ảnh: Vũ Minh Quân

Ngôi nhà truyền thống người Việt tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng ngày Tết luôn được gia chủ chăm chút, trang hoàng để tạo ra một không gian nghi thức cúng bái tổ tiên lẫn nơi nghỉ ngơi, sum vầy sau một năm lao động. Ngôi nhà ngày Tết có lẽ là bảo tàng sinh động cho đời sống phong tục người Việt cho dù những tiện nghi vật chất hiện đại được thêm vào, vẫn là nơi lưu giữ hồn cốt một không khí Việt Nam đầm ấm.

Xôi gấc là món ăn tượng trưng cho may mắn

Những vật dụng trang hoàng ngày Tết có thể là những phẩm vật tín ngưỡng, trang trí hay mang tính thú chơi, đôi khi chứa đựng tất cả những mục đích trên, nhằm tạo ra một không khí lễ hội ở quy mô gia đình, kết nối với phố phường và thôn xóm, tạo ra một thế giới màu sắc rực rỡ khác ngày thường.

Ngũ hành giữa cõi nhân gian

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Câu tục ngữ quen thuộc nhất về tục trang hoàng ngày Tết đã cho thấy sự đan quyện giữa các vật phẩm cúng lễ trong gia tiên, đồng thời mỗi vật phẩm cho ta biết một mục đích cụ thể của chúng. Các món ăn dâng cúng tổ tiên cũng là những sản vật của đời sống trồng trọt, chăn nuôi, quy tụ những thức mà người nông dân làm lụng trên đồng ruộng hay trong chuồng trại: Bánh chưng xanh mang triết lý về trời đất được đặt lên bàn thờ giữa đôi câu đối viết bằng mực tàu (đen) trên giấy phẩm điều (đỏ) tạo ra sự phối hợp màu sắc nhuần nhị.

Mâm ngũ quả thường được bày trên bàn thờ ngày Tết

Chính giữa bàn thờ ngày Tết là mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành với nhiều màu sắc và hương vị: màu xanh của chuối (mộc), màu vàng của bưởi hoặc phật thủ (thổ), màu đỏ của trái ớt hay đỏ pha cam của trái quýt, quất (hỏa)… hoặc các yếu tố đồng âm như ở miền Nam với mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài tượng trưng cho “cầu sung vừa đủ xài”. Trên bàn thờ luôn có bộ tam sự, ngũ sự, đèn nến… được cọ sạch, những nhà dòng dõi mở tấm nhiễu điều hay rèm che bài vị tổ tiên, bát hương có thể được “bao sái” (dùng nước thơm lau sạch xung quanh bát hương, dọn bớt chân nhang), sẵn sàng cho việc bày biện cúng tổ tiên đầu năm. Hai bên bàn thờ có khi đặt những cây mía dài tượng trưng những chiếc thang để tổ tiên xuống trần ăn Tết.

Người xưa dựng cây nêu, vẽ hình cung tên bằng vôi ở sân, bày cành đào trong nhà, hay đốt pháo đều là để trừ ma quỷ đến quấy nhiễu. Các vật dụng này đều gắn với những sự tích, như người xưa tin rằng hai vị thần chuyên diệt trừ ma quỷ và yêu quái sống dưới tán một cây đào khổng lồ trên sườn núi. Khi các vị thần lên thiên đình vào cuối năm, người dân chặt những cành đào về cắm ở bàn thờ tổ tiên, vẽ hình các vị này lên những tờ giấy đỏ treo trước cửa để ma quỷ không dám tới vào dịp Tết.

Cây nêu được dựng (hay còn gọi là trồng) ở sân nhà, là một cây tre đẵn tới gốc còn đủ ngọn lá. Trên có treo những đồ lễ, chẳng hạn như những chiếc khánh bằng đất nung, mỗi khi có gió sẽ phát ra âm thanh. Trồng cây nêu nghĩa là báo hiệu đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó, quấy nhiễu. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa hình giống lưỡi hái để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ. Sự tích cây nêu phản ánh một tâm thức cạnh tranh sinh tồn giữa con người cổ sơ với các thế lực ngoại xâm hay bất trắc của tự nhiên mà họ cho rằng do ma quỷ tạo ra, nhưng được hình ảnh hóa bằng những vật phẩm bình dị của làng quê.

Các cây mía tượng trưng cho những chiếc thang để tổ tiên xuống trần gian ngày Tết

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Những sắp đặt lễ nghi cũng chính là những hành vi thể hiện năng khiếu thẩm mỹ của người xưa. Ở đấy bộc lộ cái nhìn về sự hài hòa của trật tự trong thế giới quan của người Việt. Các yếu tố thần bí nhiều khi phai nhạt mà nhường chỗ cho cảm quan về màu sắc, chất liệu và các lớp bày biện vật phẩm, chẳng hạn khu vực bàn thờ gia tiên và nơi tiếp khách.

Ở giữa cửa, người xưa dán chữ Phúc ngược, theo cách đọc Hán Việt là “phúc đảo”, đồng âm với “phúc đáo” nghĩa là phúc đến nhà. Trên các bức vách đơn sơ, họ treo tranh Tết chủ đề con giáp hoặc mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc như “mã đáo thành công”, “vinh hoa, phú quý”. Nhiều gia chủ sính chữ nghĩa, họ treo các loại tranh hay chữ nho, câu đối khai bút đầu xuân. Người bình dân trưng các con giống bột truyền thống, người phú quý bày những đồ gốm sứ hay đồ đồng có chủ đề tài lộc ứng với mệnh gia chủ từng năm.

Các loại mứt có nguyên liệu từ trái cây, củ quả

Trang trí cũng là thú chơi, bởi vậy người Việt nhất thiết cắm các loại hoa có ý nghĩa tượng trưng gắn với dịp Tết: hoa thủy tiên, hoa lan, hoa hải đường, hoa trà… hay những chậu cây cảnh từ bình dân như quất đến cầu kỳ như các loại cây thế như si, sanh, lộc vừng, sung… Trung tâm của bàn tiếp khách là ấm trà mạn, hộp mứt cùng những đĩa trái cây tỉa hình con giống, đôi khi có đĩa trầu têm cánh phượng, thể hiện tài đảm đang nữ công gia chánh lẫn phong tục “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sự hiện đại hóa sau một thế kỷ giao lưu phương Tây cũng đem lại những thức mới như những loại hoa thược dược, lay-ơn, violet… và hiện nay phổ biến có hoa ly hay hoa tulip…

Trong truyện ngắn Hương cuội của Nguyễn Tuân ở tập Vang bóng một thời (1939), những nhà Nho cựu thời nâng niu truyền thống ngày Tết qua một thú vui nhỏ bé mà thực cầu kỳ: Rửa sạch những viên sỏi trắng, nhúng trong mạch nha, một loại đường nấu bằng hạt lúa mầm, rồi xếp ở dưới chân chậu lan Bạch ngọc, ủ hương thơm của những giò lan trắng trong ngày đầu năm, để rồi những tâm hồn lưu luyến cái đẹp xưa nhấm nháp khi cái lạnh se sắt của gió đông thổi về. Lúc này, ngày Tết trở thành thời khắc thưởng thức cái đẹp của những bông hoa thủy tiên nở rộ đúng giao thừa đón năm mới, của vị ngọt bánh kẹo, của vị chát chén trà, của ly rượu cay nồng, và của những câu thơ “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Nguyễn Du) đã đi vào ký ức một dân tộc.