Bài: Ngô Quang Minh
Ảnh: Nguyễn Phong, Tonkin
Người ta thường nói: “Có rất nhiều điều có thể tới hoặc không tới, nhưng Tết thì chắc chắn sẽ đến”. Tôi mong Tết để được tận hưởng cái không khí của năm mới rộn ràng, của ngày xuân tươi tắn, của những chuyến du xuân thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên lúc giao mùa và tắm mình trong không khí lễ hội dọc dải chữ S.
Tôi chọn miền Trung cho hành trình du xuân cùng với những người bạn tâm đầu ý hợp. Tới điểm đầu của con đường di sản miền Trung, chúng tôi được trải nghiệm phong vị xuân xưa tái hiện trong mỗi sinh hoạt văn hóa xứ Thần Kinh. Trước tiên phải nhắc đến lễ tế đàn Xã Tắc đã được phục dựng lại hơn 1 thập kỷ qua dịp đầu năm, với mong ước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Từ những năm 1800, lễ tế đàn Xã Tắc được triều đình nhà Nguyễn đứng ra tổ chức, vua Gia Long vì thế cho xây đàn trong khuôn viên kinh thành, huy động các dinh trấn cả nước cống nạp đất sạch để đắp đàn. “Xã” là chỉ vị Thổ thần quan trọng nhất còn “Tắc” là lúa cũng là loại quý nhất trong ngũ cốc, bởi thế “Xã Tắc” tượng trưng cho đất đai Tổ quốc, ấm no của muôn dân. Cũng bởi thế mà trong lễ tế, ngoài triều đình ngự đạo hành lễ thì dân chúng cũng tham gia dâng hương trên đàn. Ngày nay, bên cạnh đàn Nam Giao cùng Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu) thì lễ tế Xã Tắc đã trở thành một lễ hội cổ xưa trọng yếu, đặc trưng cho nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt.
Bên cạnh lễ tế phong vị cung đình, Huế tháng Giêng còn là đất nô nức của hội dân gian, tiêu biểu là hội vật làng Sình, huyện Phú Vang dịp mồng 10 hàng năm. Thuở xưa, lúc Hóa Châu còn hưng thịnh, nơi đây là bãi đất bồi của 3 nhánh sông hợp thành, mạn nam hạ lưu sông Hương gặp nhánh sông Bồ đã tạo nên yết hầu giao thương quan trọng của đàng Trong, lại nhờ địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên các chúa Nguyễn trưng dụng làm huyết mạch thủy lộ, đẩy mạnh luyện võ tuyển quân. Ông tổ môn vật của làng cũng là tráng đinh say mê võ học triều đình ngày đó, tên làng đặt là Lại Ân (nghĩa là “nhớ ơn”), hay còn gọi là làng Sình. Ngày nay lớp cháu con nhớ gốc cha ông, bốn phương tề tựu nơi xã Phú Mậu, tổ chức hội linh đình từ tờ mờ sáng, đủ mọi lứa tuổi so tài rất nhiệt huyết trên “thảm cát” trước sân đình, dân gian vì thế mà có câu rằng:
“Dù ai đi đó đi đây,
Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình”.
Rời không gian văn hóa xứ Huế, chúng tôi xuôi về Nam vượt qua đèo Cả, con đèo hiểm trở nhất nhì miền Trung để đến với Phú Yên hoang sơ trong tiết đầu năm trời mát mẻ. Du xuân trên mảnh đất “hoa vàng cỏ xanh” trước tiên phải nhắc đến ghềnh Đá Đĩa kỳ vĩ mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Phú Yên. Kết cấu chính ở đây là đá bazan đã hình thành cách đây 200 triệu năm, được tạo nên nhờ quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa. Khi dòng nham thạch phun trào gặp nước lạnh bị đông cứng lại, sau đó nứt vỡ nhiều chiều tạo nên các phiến đá đẹp lạ lùng, lớp này xếp nối lên lớp kia đầy bí ẩn. Chưa hết, do vị trí nằm sát bờ biển, ngày đêm được sóng nước luân bồi, hơi sương mờ ảo trong ánh bình minh khiến ghềnh Đá Đĩa thêm lung linh độc đáo, xứng đáng là kỳ quan được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia vào năm 1998.
Thiên nhiên ưu đãi là thế, còn nhân tạo lại cho xứ Nẫu một kỳ quan khác – tháp Nhạn mang dấu ấn văn hóa Cham Pa giữa lòng thành phố Tuy Hòa. Theo truyền thuyết kể lại, sự ra đời của tháp Nhạn bắt nguồn từ câu chuyện tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân địa phương cấy cày, dệt vải, kéo sợi mưu sinh. Sau khi bà trở lại cõi tiên, người dân Cham Pa đã xây tháp để phụng thờ bà. Tháp có hình tứ giác cao 25m với 4 tầng, trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của người Chăm mong vạn vật luôn sinh sôi nảy nở. Chân tháp là dạng đế vuông ốp sa thạch, thân tháp thẳng đứng đồ sộ tạo cảm giác vững chãi. Ngoài kết cấu rất đặc trưng, vật liệu mà người Chăm xưa dùng để xây tháp càng làm người ta ngạc nhiên thán phục. Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khít nhau rất chắc chắn. Loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn nhưng bền hơn gạch thông thường. Các viên gạch được gắn với nhau bằng loại keo làm từ cây tự nhiên rất kết dính, không lộ kẽ hở nào, đảm bảo cho tòa tháp nghìn tuổi vẫn đứng vững cùng năm tháng. Vì sức hấp dẫn đó mà du khách bấy lâu vẫn truyền tai nhau: “Phú Yên có đỉnh Cù Mông, có hòn tháp Nhạn, có dòng sông Ba”. Nơi này rất thích hợp để viếng thăm vào đêm thơ Nguyên Tiêu dịp rằm tháng Giêng hay mùa lễ hội Vía Bà tháng 3 âm lịch.
Và cuối cùng, trong cẩm nang du lịch Phú Yên còn một địa danh nữa đáng tới: đầm Ô Loan, cùng với hai nơi khác là Phá Tam Giang (Huế) và đầm Thị Nại (Bình Định) làm thành 3 đầm phá đẹp bậc nhất duyên hải Việt Na. Ô Loan là nơi nuôi hải sản lớn nhất toàn tỉnh Phú Yên cùng các món ăn “danh bất hư truyền” như sò huyết Ô Loan, mắt cá ngừ đại dương, hay cua Huỳnh đế. Nhìn từ trên cao xuống, đầm có dáng hình thiên nga sải cánh, xung quanh được bao bọc bởi làng mạc trù phú và núi thấp xanh xanh khiến khung cảnh đẹp bình dị mà hữu tình. Đầm nổi tiếng với sự tĩnh lặng huyền ảo, nên thơ mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Hàng năm, cứ vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân quanh đầm lại lập lễ Cầu ngư mong cho năm mới bình an, thuận buồm xuôi gió và tổ chức hội Đua thuyền sôi động làm sống lại nét đẹp văn hóa vùng sông nước Tuy An.