Nguyệt Anh
Nếu muốn tận hưởng bầu không khí trong lành, yên bình trước khi Sài Gòn bước vào nhịp sống hối hả thường ngày, bạn nên dậy vào sáu giờ sáng. Lúc này, phố xá vẫn còn vắng bóng xe cộ đi lại. Đi dọc các con phố Sài Gòn, bạn sẽ có vô vàn sự lựa chọn để thưởng thức các món ăn ngon.
Người Sài Gòn thường sử dụng vị ngọt của đường rất nhiều trong các món ăn, từ món canh, mặn hay xào và nhất là trong các loại bánh, chè, hoặc cả trong các món xôi. Bên cạnh đó họ còn sử dụng nước dừa tươi, nước cốt dừa… để làm tăng vị béo, vị ngọt của món ăn.
Người ta vẫn nói vui với nhau rằng tới Sài Gòn mà chưa ăn hủ tiếu thì coi như chưa đặt chân tới nơi đây. Một bát hủ tiếu đầy đặn, sợi dai trong suốt như bột lọc, bạn có thể lựa chọn ăn cùng thịt nạc, xí quách, thịt băm, hay thập cẩm đều rất lạ miệng. Nước lèo được hầm từ xương nên khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, thanh, mát.
Một điểm đặc biệt tại Sài Gòn mà bất cứ ai đặt chân đến đây đều rất thích thú, đó là thái độ nhẹ nhàng và niềm nở của những người bán hàng. Còn gì tuyệt vời hơn khi bắt đầu ngày mới những món ăn ngon và được phục vụ tận tình, chu đáo.
Sau bữa sáng, bạn hãy đến một quán cà phê vỉa hè, gọi cho mình một ly cà phê đá hoặc cà phê sữa đá. Vừa thưởng thức cà phê, vừa nhìn dòng người hối hả ngược xuôi sẽ rất thú vị.
Vào buổi trưa, bạn có thể ghé bất kỳ quán cơm nào trên đường, gọi cho mình món canh chua cá lóc ăn cùng cơm trắng. Canh chua ở đây sử dụng vị chua của trái me, trái khế, hay lá giang… Ngoài ra, trong canh có thêm các loại rau như bạc hà, bắp chuối, giá, rau nhút, bông điên điển, đậu bắp, rồi thêm trái thơm (dứa), cà chua… Ngoài ra bạn có thể lựa chọn cơm tấm. Người Sài Gòn có thể ăn cơm tấm vào bất cứ buổi nào trong ngày. Chỉ là cơm với thịt nướng chan chút nước mắm chua ngọt nhưng đây là món ăn đặc biệt ưa thích của người dân nơi đây.
Tầm xế chiều là lúc hơi đói bụng, bạn có thể tìm tới các quán ốc. Nếu Hà Nội chỉ có ốc luộc, ốc xào, thì ốc Sài Gòn vô cùng đa dạng, phong phú với hàng chục loại ốc khác nhau, được chế biến theo hàng chục cách: nướng muối ớt, xào me, nướng phô mai, hấp gừng xả… Chính vì lẽ đó, mặc dù nơi đây có rất nhiều quán ốc, nhưng quán nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập.
Khi thành phố lên đèn, hãy một lần thưởng thức lẩu cá kèo. Món ăn là sự kết hợp của vị chua chua, chát chát của lá giang; lẩu ăn kèm các loại rau như: rau muống, rau nhút (rút) và rau đắng – đây chính là loại rau không thể thiếu để làm nên hương vị đặc trưng của món ăn. Cá kèo thả vào lẩu là những con cá còn sống, được đựng trong những bát nước nhỏ. Khi nước lẩu sôi, thực khách mở vung và cho cá vào. Sau đó cho rau vào và bắt đầu thưởng thức. Người dân nơi đây sau một ngày bận rộn với công việc rất thích cùng gia đình, bạn bè ngồi nhâm nhi bên nồi lẩu và cùng nhau ngắm nhìn nhịp sống sôi động của Sài Gòn về đêm.
Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể tìm tới quận Phú Nhuận thưởng thức mỳ vịt tiềm nổi tiếng được bán từ những năm 40. Để có được món mỳ mang đặc trưng riêng, chủ quán ướp phần đùi và má đùi vịt thật kỹ với gia vị gia truyền, sau đó mang tiềm trong nước dùng có nhiều vị thuốc. Khi ăn, miếng thịt vịt thì mềm nhưng phần da lại giòn và thơm; ăn không có cảm giác ngán. Người ta dùng mỳ trứng ăn kèm với vịt tiềm.