Thái A

Về Bình Định ngày xuân đón Tết, du khách có cơ hội thưởng sắc mai vàng tại làng Háo Đức, quê hương của những cây mai mà cứ dịp này lại theo bước chân người tỏa đi muôn phương.

Về Bình Định là về với miền đất võ trời văn, miền đất của biết bao giá trị văn hóa thấm sâu trong hồn người, hồn đất. Quy Nhơn, Bình Định cho tới nay vẫn chưa nổi tiếng bằng các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc nhưng lại hút hồn du khách bởi các cảnh sắc và giá trị văn hóa rất riêng. Về Bình Định ngày xuân đón Tết, du khách còn có cơ hội thưởng sắc mai vàng tại làng Háo Đức, huyện An Nhơn, quê hương của những cây mai mà cứ dịp này lại theo bước chân người tỏa đi muôn phương.

Được lấy giống từ miền Nam, mai Háo Đức bề ngoài không khác gì mai trồng ở miền Tây Nam Bộ, có khác chăng ở vẻ khỏe khoắn hơn, có lẽ nhờ hào khí của miền đất võ hun đúc nên tính chất của loài hoa. Có hàng trăm hộ trong làng cùng trồng mai, nhưng chỉ vài gia đình nghệ nhân được khách hàng chuộng nhất bởi họ nắm giữ bí quyết về uốn thân, tỉa cành, tạo dáng cho chậu bonsai được đẹp mắt. Mai đẹp đòi hỏi nhiều yếu tố theo khẩu quyết “Nhất gốc, nhì thế, tam thân, tứ hoa”. Một chậu mai đẹp cần có gốc lớn, chắc khỏe với những chân rễ cuồn cuộn như chính tấn pháp của môn võ Bình Định vang danh thiên hạ, sau đến là thế tức dáng cây. Căn bản nhất vẫn là phần gốc phải toát lên thần thái của một thân mai đã trải mưa gội nắng, xù xì và tỏa rễ như khí phách người quân tử có thể bao trọn đất trời. Đối lập với đó là phần thân và cành cần toát lên vẻ mảnh mai, nhẹ nhàng như đức tính thanh cao và bao dung của con người trong đối nhân xử thế. Tất cả đều là ước lễ do người chơi mai đặt ra. Nhưng cũng giống như chơi đào, một chậu mai được đánh giá cao cần hội tụ nhiều yếu tố vừa nhân văn, vừa thẩm mỹ như vậy.

Tất nhiên người trồng mai Háo Đức mỗi nhà có một bí quyết riêng để trồng cây, chăm bón. Cứ vào dịp gần Tết, làng mai lại nhộn nhịp người tới lựa cây đưa đi các tỉnh. Con đường dẫn vào làng không mấy khi ngớt tiếng người, tiếng xe, còn trong làng, các gia đình trồng mai làm việc không ngơi tay từ Tết Dương lịch cho tới ngày 30 tháng Chạp âm lịch. Ngày xuân, những đóa mai vàng phô hương sắc trong nhà như mang cả bầu trời đầy nắng và những niềm vui, niềm hạnh phúc tới trao cho con người. Sắc hoa vàng rực nở bung, bên cạnh đó là những nụ xanh e ấp được coi là điềm lành, báo hiệu năm mới thịnh vượng, an khang cho mỗi gia đình.

Khó ai biết được hàng năm làng Háo Đức gửi tới những nẻo đường xa bao nhiêu chậu mai vàng, chỉ biết nhờ cơ duyên mà mấy năm trước những bông hoa vàng rực rỡ này đã góp phần tô điểm cho thủ đô Hà Nội vào ngày Tết. Đó là những lần, theo sáng kiến của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Vĩnh Hảo, 1.000 gốc mai Háo Đức đã được gửi tặng Thăng Long – Hà Nội trong chương trình “Đào mai tương ngộ – Tri ân nghĩa sĩ Tây Sơn”. Trong dịp đó, gốc mai cổ được nghênh đón gió xuân đất Bắc, cánh hoa vàng rực rỡ như mang trọn vẹn nắng gió Bình Định tô điểm cho thành phố nghìn năm văn hiến. Ánh hồng của hoa đào Hà Nội khi phô sắc cạnh mai vàng như kể lại cho hậu thế những câu chuyện tình lãng mạn bậc nhất trong lịch sử giữa Vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân.

Từ làng Háo Đức xa xôi, cánh mai vàng mỗi năm lại chuyển niềm hạnh phúc tới muôn phương, tô điểm cho biết bao ngôi nhà yên ấm của các gia đình trong cả nước.