Bài: Trần Tấn Khải
Ảnh: Trần Tấn Khải, Thái A, Đức Vũ
Nói đến nghề đi biển, nghề đánh cá của ngư dân ven biển miền Trung không thể không nói đến cá ông – loài cá mà ngư dân thờ cúng chính là cá heo, cá voi với nhiều loài khác nhau. Tùy theo loại lớn nhỏ mà phân biệt cá ông thành những tên gọi như ông Nhồng, ông Lúc, ông Ngài. Cá ông là linh vật đối với ngư dân, được bà con tôn thờ là vị cứu tinh trong những lúc nguy nan.
Trong tâm thức của ngư dân, cá ông là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương. Cá ông có mặt khắp nơi trên biển bao la. Những ngày trời yên biển lặng, cá ông chào đón những chiếc thuyền ra khơi một cách hồ hởi như đón người thân trở về nhà. Đàn cá ông lướt theo mạn thuyền vừa phun nước vừa quẩy đuôi, ngoác mỏ nghịch ngợm như cố diễn trò trên biển. Khi nào những chiếc thuyền của ngư dân tăng tốc thì lập tức cá ông “biết ý” khởi đầu cuộc đua trên biển. Dù cho công suất lớn đến mấy, bao giờ cá ông cũng thắng cuộc thi tăng tốc với thuyền của ngư dân. Còn những lúc gió bão, thuyền chao đảo, ngả nghiêng trên đầu sóng, chỉ cần vái gọi, cá ông xuất hiện ngay, đưa tấm thân khổng lồ dìu dắt chiếc thuyền đang gặp nạn vào bờ an toàn. Vì thế, ngư dân mang ơn cá ông cứu mạng, giữ thuyền, duy trì mưu sinh nghề biển ngàn đời.
Ngư dân tin vào sự hiển linh của cá ông. Là vị thần ở biển cả nên ngư dân tự bao đời không đánh bắt cá ông, khi cá ông chết họ thường cúng bái và chôn cất tử tế. Một con cá voi dạt vào bờ thường chưa chết hẳn, ngư dân gọi là ông “lụy”. Người ta dìu cá ra khỏi mép sóng thử xem nếu cá còn sức thì có thể bơi ra biển sống tiếp, còn khi ông đuối sức, muốn chia lìa biển khơi thì họ đưa hẳn vào bờ. Người ta đào một cái hố trên bãi cát và dẫn nước biển vào để cá voi sống tiếp. Chừng nào cá voi “hấp hối”, tắt thở hẳn mới đưa vào bìa làng để làm lễ tang. Người ta lập đàn cúng tế cá ông linh đình trước khi chôn cất. Chiêng trống rộn vang tiễn biệt cá voi về nơi yên nghỉ. Một điều bí ẩn khó giải thích là cá ông hay “lụy” vào những nơi nào có lăng ông hay nghĩa địa cá ông. Thôn Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) có hai bãi biển: Bãi Bấc và Bãi Nồm. Bãi Bấc là nơi được ngư dân chọn làm nghĩa địa cho cá ông. Từ ngày có nghĩa địa, cá voi chết thường trôi dạt vào Bãi Bấc. Những lão ngư ở xóm chài này cho rằng các ông Ngài muốn cho ngư dân đỡ vất vả, vì một con cá ông thường nặng từ vài trăm ký đến hàng tấn, có con lên đến cả chục tấn, rất khó mang vào bờ để chôn cất. Vì thế, nơi đây tồn tại một nghĩa địa cá ông với số lượng lên đến cả hơn 100 ngôi mộ. Nghĩa địa cá ông ở thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành là nghĩa địa cá ông duy nhất ở vùng biển miền Trung Việt Nam cho đến nay vẫn còn được lưu giữ, thờ cúng hàng năm. Nơi đây được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2009.
Trong các lễ hội truyền thống hàng năm của ngư dân, đáng chú ý là lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội đánh dấu sự khởi đầu cho một năm ra biển đánh bắt hải sản của các làng chài. Trong lễ hội này có nghi lễ Nghinh ông. Hàng trăm chiếc thuyền dong trên biển nghinh đón cá ông. Đi đầu là chiếc ghe chở đàn thờ cúng với những lễ vật trang trọng. Dong thuyền nghinh thần nhằm cầu cho một năm biển thuận gióhòa để ngư dân làm được nhiều tôm cá.
Tín ngưỡng thờ cá voi là nét đặc biệt trong đời sống tâm linh của ngư dân miền duyên hải, đặc biệt là vùng biển miền Trung. Lễ cúng cá ông và lễ hội cầu ngư là nét đẹp trong phong tục, tập quán của ngư dân miền biển. Trong lễ hội đó, người ta tôn vinh nghề đi biển, cầu mong gió lặng sóng yên, mỗi lần ra khơi cá được đầy khoang. Đây là lúc họ biểu diễn các môn thể thao truyền thống của ngư dân như đua thuyền, bơi lội, lắc thúng và diễn xướng các làn điệu dân gian như hò đưa linh, hát múa bã trạo… Lễ hội, tín ngưỡng thờ cúng cá ông cũng là một phần của di sản văn hóa biển được ngư dân sáng tạo nên trong cuộc sống gắn bó với đại dương.