Bài: Hà Phạm
Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc, Trịnh Thu Nguyệt
Nếu bạn chưa bao giờ được dự một buổi chợ phiên của đồng bào H’Mông ở miền núi phía Bắc, thì tức là bạn chưa biết gì về họ nói riêng, và miền Tây Bắc nói chung.
Những chợ phiên đánh thức núi rừng
Những buổi chợ phiên ấy (thường là vào những ngày cuối tuần hoặc cố định một ngày giữa tuần) sẽ gây xốn xang từ sớm tinh mơ. Khi mắt còn chưa nhìn thấy rõ những con đường núi quanh co, chưa nhận ra có ai đi trên con đường mù sương ấy, thì tai đã nghe những tiếng lục lạc trong vắt và rộn rã từ cổ một con vật người ta dắt trên đường. Tiếng lục lạc ấy sẽ vang suốt cả ngày ở một nơi có tên là chợ phiên, nhưng theo từng chương, có những lớp lang và tiết tấu riêng như một bản nhạc.
Sau khúc nhạc dạo đầu, cũng là lúc tan sương sớm. Giờ không phải cảm nhận không khí miền núi bằng tai nghe nữa mà bằng sắc màu. Lác đác trên đường, những người đàn ông bảnh bao hơn ngày thường đi cùng vợ, dắt theo ngựa. Những phụ nữ H’Mông trong nếp váy thổ cẩm tươi thắm xập xòe như cánh bướm tíu tít mỗi bước chân và lũ trẻ lon xon chạy. Họ đi tay không hoặc mang theo gì đó từ vườn nhà: rau cỏ, hoa quả, lợn gà, chó mèo…
Chợ ở Tây Bắc thường tập trung nhiều dân tộc: H’Mông, Nùng, Dao, Mán, Kinh…, thế nên sự vui mắt là đương nhiên. Mỗi dân tộc một trang phục, một sản vật. Thổ cẩm, váy áo, chăn đệm, gùi, cùng cuốc, lưỡi cày, xẻng…, những vật dụng nhất thiết phải có trong cuộc sống không thể thiếu trong bất cứ một chợ phiên nào. Rồi góc khác, là rau, mùa nào thức nấy: rau cải, đậu hòa lan, lạc ngô với màu xanh xanh, vàng óng tươi mắt. Góc này nữa là các lâm thổ sản quen thuộc: nấm hương, mộc nhĩ…
Trong khi những người phụ nữ bán và mua những thứ cần cho cả một tuần hoặc lâu hơn thế, thì những ông chồng của họ ngồi lại với nhau bên bàn, gần chảo thắng cố nghi ngút bốc hơi, với những bát rượu ngô. Nhân khi bố mẹ mải mê với việc của mình, lũ trẻ tranh thủ dịp chơi đùa với nhau, níu những cành cây trĩu đầy hoa hay chơi kéo co, chạy nhảy, đuổi bắt nhau, làm rộn ràng cả một góc phiên chợ. Mỗi chợ phiên trở thành một ngày hội, ngày hội của sắc màu, của men say, của những tiếng cười trẻ nhỏ…
Ghé thăm những chợ phiên độc đáo đất Lào Cai
Nhắc đến chợ phiên thì không thể không nghĩ đến Lào Cai, đến những chợ phiên nổi tiếng ở các huyện như Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà. Từ thế kỷ 19, huyện Mường Khương đã có các phiên chợ vùng cao để trao đổi hàng hóa. Bên cạnh các chợ phiên như Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Bản Lầu…, chợ Chậu thuộc xã Lùng Vai từ lâu đã trở thành trung tâm buôn bán nổi tiếng ở miền Đông châu Thuỷ Vĩ. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi tâm tình của những người bạn, nơi hò hẹn của nam, nữ các bản làng. Đến chợ Chậu, du khách còn được khám phá Mường Khương hùng vĩ với nhiều truyền thống văn hóa dân tộc, giàu bản sắc còn tồn tại lưu truyền đến ngày nay.
Trong các phiên chợ họp Chủ nhật ở Lào Cai, nổi bật nhất phải kể đến chợ phiên Bắc Hà, được bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á. Chợ Bắc Hà còn là chợ phiên duy nhất cả nước có khu dành riêng cho mua bán ngựa với hàng trăm con ngựa được mua bán mỗi phiên.
Dù có vẻ như rất giống nhau, nhưng mỗi chợ phiên dù ở vùng nào cũng có những nét đặc sắc riêng. Phải hòa mình với không khí chợ, uống thử bát rượu ngô, ngồi với họ trên cùng một bậc thềm, nghe tiếng đàn môi réo rắt mới hiểu họ nghĩ gì và muốn gì. Chợ phiên gắn bó với đời sống người dân bản địa như một phần tất yếu. Không có chợ phiên, chắc chắn những người dân thuộc dân tộc thiểu số, đặc biệt là người H’Mông ở trên những đỉnh núi cao khuất lấp trong mây, sẽ chẳng có mấy cơ hội để gặp gỡ và giao lưu cùng nhau. Trẻ em các dân tộc cũng ít có dịp để sống chan hòa và hạnh phúc. Hãy nhìn nụ cười những em bé H’Mông, để hiểu rằng một đời sống với những truyền thống, tập tục riêng vẫn đang được gìn giữ trong quá trình đồng hành với đồng bào các dân tộc khác, bằng chính cách sống của họ – những chợ phiên, những tấm váy thổ cẩm và những nồng ấm rượu ngô.
Xem thêm: