Bài: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Ảnh: Khánh Phan
TP.Hồ Chí Minh có tới hơn 200 cây cầu lớn, nhỏ gắn với lịch sử vùng đất này từ thuở khai hoang lập địa đến nay. Và, mỗi cây cầu đều là một điểm dừng văn hóa.
Trong hành trình khám phá thành phố bằng đường sông, chúng tôi xuống tàu ở cầu Nước Lên, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, nằm trên đường Võ Văn Kiệt. Lên tàu phía rạch trong, nướng trui con cá lóc, khề khà dăm li đế rồi buông câu hay gõ mái chèo mà hát. Chiều muộn, nước lên, tàu hết mắc cạn là nhổ neo, ra kênh Tàu Hũ ngược lên phố thị phồn hoa…
Toàn bộ chiều dài của trục đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, dài 21,89km nằm ven kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, chạy dài từ phía đông sang phía tây thành phố, đi qua 8 quận, huyện và 4 khu vực lớn là đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính, văn phòng lâu đời ở quận 1, trung tâm buôn bán mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn trên bến dưới thuyền của người Việt ở miền Tây Nam bộ ở quận 6, quận 8. Cảnh quan trên bến dưới thuyền, nét đặc trưng của văn hóa thương hồ là điểm nhấn của toàn tuyến nên dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. Trên hành trình ấy, chúng tôi đi qua nhiều cây cầu, nhưng hấp dẫn nhất là cầu chữ Y. Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối liền quận 5 và quận 8 với 3 nhánh tạo thành hình chữ Y, trong đó có 2 nhánh về hướng đông (thuộc quận 8). Cầu chữ Y bắt đầu từ đường Nguyễn Biểu, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng. Do cầu có ba nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, và trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính dưới 3km. Cầu chữ Y đẹp nhất là vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Khi đó, người dân ở các tỉnh miền Tây chạy ghe, tàu chở đầy hoa và cây cảnh. Cả kênh Tàu Hũ – Bến Nghé trở thành một dòng sông hoa muôn sắc ngàn hương.
Một cây cầu cũng rất đáng để tham quan khi đến TP. Hồ Chí Minh là cầu Bình Lợi. Năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý giữ lại một nửa cầu sắt Bình Lợi để bảo tồn, nhằm lưu giữ dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước. Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng vào tháng 2/1902 thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Nha Trang. Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rive, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois Perret thi công với chiều dài 276m gồm 6 nhịp, với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948” (Bình Lợi, tháng 10-1948).
Về cây cầu 117 tuổi này, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp cho rằng: “Với giới bảo tồn di sản, nói đến Hà Nội là nghĩ đến cầu Long Biên; hay Trường Tiền của Huế, thì cầu Bình Lợi đã để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Chưa kể, nó là cầu đô thị với kiến trúc độc đáo bởi là cầu thép duy nhất có tuổi thọ trên 100 năm còn tồn tại và đặc biệt có trục quay. Với hình thức kiến trúc cầu thép Bình Lợi độc đáo, là di sản đô thị”.
Ở đất Sài Gòn còn có một cây cầu rất tình tứ, nên thơ, đó là cầu Thị Nghè. Cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè có chiều dài 105,2m, rộng 17,6m với 4 làn xe. Trong sách Gia Định thành thông chí, mục trấn Phiên An, Trịnh Hoài Đức viết: “bà có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè.”
Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép. Tên cầu từ Bà Nghè thành Thị Nghè từ giữa thế kỷ 19, cho đến nay tên này vẫn được giữ nguyên. Vì thương chồng phải cách trở đò giang khi ngày ngày từ Gia Định sang Sài Gòn làm việc nên người vợ hiền đã cho xây cầu Thị Nghè hay cao cả hơn là bà Nghè bắc cầu cho dân đi lại thì đều để lại một giai thoại đẹp cho đất Sài Gòn.
Ông Pascal Floch vừa dẫn gia đình từ Paris, Pháp sang Việt Nam du lịch. Từ đường Võ Văn Kiệt ở quận 1, gia đình ông qua những cây cầu: Cá Trê, Chà Và, Ông Lãnh, Lò Gốm, Nước Lên (TP.Hồ Chí Minh), Kho (tỉnh Vĩnh Long), Cái Răng, Cái Da, Đầu Sấu (thành phố Cần Thơ), Chắc Cà Đao (tỉnh An Giang)… để ngao du sông nước miền Tây suốt 4 ngày. Đi qua hơn 300 cây cầu, tới đâu ông cũng chụp ảnh và tìm hiểu ý nghĩa tên gọi. Trở về Pháp, ông viết thư cho tôi nói rằng chuyến đi Việt Nam thật kỳ thú và ông đang làm cuốn sách ảnh cùng chuyện kể về những cây cầu đã qua.
Thật vậy, mỗi cây cầu, mỗi địa danh là một điểm dừng văn hóa thú vị.