Nguyễn Đăng Tùng

Hộ chiếu vắc-xin được kỳ vọng sẽ là cú huých quan trọng, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, giống như chiếc máy bay an toàn vượt qua vùng nhiễu động không khí

Dù đã xuất hiện nhiều dạng “hộ chiếu vaccine” nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn

Vật lộn tìm lối thoát, hơn 20 quốc gia và hàng chục hãng hàng không đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu vắc-xin như một phương thức khai thông lại bầu trời, mở cửa du lịch mà vẫn đảm bảo ngăn chặn đại dịch Covid-19. Cũng dễ hiểu sự nóng ruột của họ bởi đại dịch đã khiến ngành du lịch thế giới có một năm có thể nói là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Báo cáo Tác động Kinh tế hàng năm của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho thấy ngành công nghiệp không khói thâm hụt khoảng 4.500 tỷ USD, khiến đóng góp của ngành này vào GDP toàn cầu giảm tới 49,1%, cao hơn hàng chục lần mức sụt giảm trung bình của kinh tế toàn cầu là 3,7%.

Trên thế giới hiện có nhiều loại “hộ chiếu vắc-xin”, bao gồm Green Pass của Ủy ban châu Âu, Common Pass của Diễn đàn kinh tế Thế giới, IATA Travel Pass của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Digital Health Pass do Hãng IBM (Mỹ) phát triển. Ngoài ra, nhiều hãng và quốc gia cũng có những quy định tài liệu riêng, như American Airlines tự phát triển ứng dụng VeriFLY hay nhóm nước Israel, Hy Lạp, Síp và đảo Seychelles đã có quy định riêng chấp nhận hộ chiếu vắc-xin của nhau.

Nhiều báo cáo về nguyên nhân bùng phát bệnh dịch Covid-19 chỉ ra rằng khả năng di chuyển dễ dàng là một lý do quan trọng khiến Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Trớ trêu thay, khả năng này cũng chính là chìa khóa cho phục hồi nền kinh tế thế giới và hộ chiếu vắc-xin được kỳ vọng là giải pháp cho vấn đề đi lại an toàn. Tuy nhiên, vấn đề dường như phức tạp hơn người ta nghĩ rất nhiều.

Còn quá nhiều băn khoăn

Trước hết, hộ chiếu vắc-xin khi cấp cho một cá nhân chỉ có ý nghĩa người đó đã được tiêm vắc-xin hoặc đang có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng không đảm bảo rằng người này không mang vi-rút Covid-19 và không có khả năng lây nhiễm loại vi-rút này sang người khác.

Dù đã xuất hiện nhiều dạng “hộ chiếu vaccine” nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn

Hơn nữa, để được áp dụng như một biện pháp thông thương du lịch hiệu quả, giá trị hộ chiếu vắc-xin cần được các quốc gia điểm đến công nhận. Thực tế, mỗi quốc gia luôn có nhiều quy định và chính sách khác nhau trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ví dụ, người có hộ chiếu vắc-xin đã tiêm một loại vắc-xin mà quốc gia điểm đến chưa (hoặc không) công nhận thì hộ chiếu đó chắc chắn sẽ không có giá trị. Mỹ hiện chưa công nhận vắc-xin do Nga sản xuất, hay Việt Nam mới chỉ cấp phép sử dụng cho ba loại vắc-xin của Pfizer, Modenna và AstraZanecca. Những bất đồng về kỹ thuật có thể khiến cho các thỏa thuận song phương hay đa phương liên quốc gia mất nhiều tháng hay nhiều năm để thống nhất và cùng triển khai.

Ngoài ra, tờ New York Times ghi nhận tình trạng rao bán tràn lan các thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 giả trên mạng Internet, trong khi New York Post cũng phát hiện được hàng chục hướng dẫn trực tuyến về việc tự in giấy chứng nhận tiêm vắc-xin tại nhà. Tình trạng nghiêm trọng tới mức nhiều Tổng chưởng lý (Attorney General – Luật sư trưởng) của Mỹ đã phải yêu cầu các đại gia công nghệ “lập tức” hành động.

Với thực tế đó, khả năng đạt được những thỏa thuận song phương hoặc đa phương về việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin và mở cửa lại bầu trời sẽ không dễ dàng, dù đây là điều mà các quốc gia đều mong muốn.

Việt Nam hành động

Với một ngành du lịch bị thâm hụt tới cả chục tỷ đô-la Mỹ trong năm 2020, Việt Nam cũng rất quan tâm tới hộ chiếu vắc-xin. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu khả năng mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có kiểm soát. Chỉ khoảng một tuần sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã lập tức đệ trình một kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.

Hộ chiếu vaccine đang được kỳ vọng là giải pháp cho đi lại an toàn

Theo đó, quá trình tái mở cửa bầu trời với quốc tế sẽ được triển khai thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ khôi phục các chuyến bay trọn gói với hành khách là công dân Việt Nam theo hình thức: các hãng hàng không Việt Nam cùng doanh nghiệp lữ hành phối hợp cơ quan ngoại giao và địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn, tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Các chuyến bay này có chi phí trọn gói bao gồm chi phí như vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly, ăn trong 14 ngày, xe đón về khách sạn, được triển khai ngay, đồng thời với các chuyến bay “giải cứu” công dân do Chính phủ tổ chức.

Giai đoạn 2, dự kiến từ tháng 7-2021, sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách là công dân Việt Nam và nước ngoài vào Việt Nam, có cách ly sau khi nhập cảnh, không yêu cầu hành khách phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19, và thực hiện đồng thời với các chuyến bay trọn gói chở công dân Việt Nam về nước. Giai đoạn này bắt đầu với các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Giai đoạn 3, dự kiến từ tháng 9-2021, sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”: Miễn cách ly tập trung đối với hành khách có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR trong vòng 3-5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với loại vắc-xin phòng COVID-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại Việt Nam.

Các chuyến bay thực hiện với các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch COVID-19 của cùng loại vắc-xin mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu là 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Còn tại cuộc họp chiều ngày 9/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết đã thực hiện đúng cam kết hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, hoàn toàn thích ứng với quốc tế để chuẩn bị triển khai “hộ chiếu vắc-xin”. Cuộc họp cũng đề xuất dự kiến ba nhóm đối tượng được áp dụng hộ chiếu vắc-xin là người Việt Nam ở nước ngoài hay doanh nhân Việt có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư; những chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam làm việc; và khách du lịch quốc tế từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc-xin và đạt miễn dịch cộng đồng.