Phương Nguyễn

Chuyến bay của Vietnam Airlines nhẹ nhàng đáp xuống đường băng sân bay Incheon tại thành phố Seoul. Cảnh vật đang dần hiện rõ qua cửa sổ máy bay trong khoảnh khắc rung lắc nhẹ nhàng, kết thúc một hành trình bay dễ chịu. Trước mắt chúng tôi là những ngày hè rực rỡ bắt đầu ở xứ sở Kim chi…

Sân bay quốc tế Incheon – cửa ngõ chính vào Hàn Quốc không chỉ là sân bay quốc tế lớn nhất đất nước mà còn là một trong những cảng hàng không trung chuyển lớn nhất châu Á, chủ yếu nối các đường bay từ Đông Á sang Bắc Mỹ. Trong nhiều năm liền, sân bay này luôn được bầu chọn trong top những sân bay tốt nhất thế giới. Chúng tôi có ấn tượng đẹp ngay từ ban đầu, khi tiến vào quầy nhập cảnh, bảng hướng đã điện tử đã hiện lên dòng chữ tiếng Việt “Xin chào quý khách”.

Chúng tôi dành 2 ngày ở thủ đô Seoul để khám phá tinh hoa văn hóa, lịch sử của quốc gia này qua các cung điện, bảo tàng, làng văn hóa truyền thống, thậm chí là các khu chợ đêm nhộn nhịp. Tiếp theo hành trình mùa hè, chúng tôi lên chuyến tàu cao tốc tiến về phía nam đến với thành phố biển Busan.

Hải nữ lặn biển mà không có bình oxy

Nguồn năng lượng tươi mới từ Gamcheon 

Làng chài Gamcheon ở Busan là cái tên mà chúng tôi nhớ nhất ở thành phố biển này, không phải bởi vì nó luôn xuất hiện trên bản đồ du lịch xứ sở Kim chi, mà vì nó có điểm tương đồng với một địa danh ở miền Trung Việt Nam – làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam). Hai ngôi làng này trước kia đều là những làng chài đơn sơ, bình lặng. Chỉ khi có dự án nghệ thuật với những bức bích họa trang trí đầy màu sắc, làng Tam Thanh cũng như làng Gamcheon như được khoác áo mới. Làng Tam Thanh ở vùng quê nghèo khó đã được nhóm hoạ sĩ người Hàn Quốc hợp tác cùng các họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam dùng gam màu tươi tắn để vẽ nên những bức họa sống động, tạo những sắc thái mới góp phần giúp phát triển du lịch địa phương.

Gamcheon xưa cũng là một làng chài nghèo, gần sát eo biển đẹp. Gamcheon được xây dựng vào những năm 1950 của thế kỷ trước. Nguyên thuỷ ngôi làng là một bức tranh ảm đạm, chứa đựng nhiều số phận kém may mắn trong thời loạn lạc. Chỉ đến năm 2009, Gamcheon như lột xác với dự án nghệ thuật cải tạo ngôi làng.  Gamcheon đầy màu sắc được biết đến nhiều hơn với những con dốc thoai thoải, các con hẻm xoắn ốc và những ngôi nhà xinh xắn được tô vẽ bằng hàng trăm bức họa rực rỡ. Nó như truyền cho du khách nguồn năng lượng tích cực, tươi mới, trẻ trung.

Hiện nay, ngoại trừ cư dân bản địa, làng Gamcheon còn có rất nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn… tề tựu để tìm cảm hứng sáng tác.

Hoàng hôn trên đảo Jeju

Đi tìm Hải nữ” trên đảo Jeju

Từ Busan, chúng tôi bắt một chuyến bay nội địa ngắn, hoặc du khách cũng có thể chọn phương tiện đi phà ngang eo biển Hoàng Hải, để đến với hòn đảo được mệnh danh là “Hawaii của Hàn Quốc” – đảo Jeju.

Chúng tôi không đến Jeju đơn thuần chỉ để tận hưởng cái nắng, cái gió và “nhắm mắt để thấy mùa hè” như trong một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Chúng tôi đến Jeju để tìm hiểu một cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề chài lưới từ hàng trăm năm qua. Đây cũng là nguồn nhân lực độc nhất vô nhị trong nghề lặn biển ở hòn đảo này –  các “hải nữ” (Haenyeo) – những phụ nữ hành nghề lặn hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống.

Theo các tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu trước, không thể xác định là công việc lặn biển của những phụ nữ trên đảo bắt đầu từ lúc nào, chỉ biết là từ thế kỷ thứ 10, có nhiều sách vở ghi lại, cộng đồng phụ nữ sống trên đảo đã thay thế dần vai trò của đàn ông, lặn biển mưu sinh, trải qua nhiều thế hệ đến tận ngày hôm nay. Theo truyền thuyết, các hải nữ (hay còn gọi là “ngư nữ”) có thể nhịn thở đến 10 phút, và lặn xuống biển ở độ sâu tối đa 20m. Dần dà, cũng không biết là do cơ địa của các hải nữ này phù hợp với nghề lặn hơn cánh đàn ông hay không, mà họ đã thay thế nam giới để gánh lấy công việc nặng nhọc và mang lại thu nhập chính cho gia đình.

 

Thu hoạch sau chuyến lặn biển

Đây là một nghề nguy hiểm, có thể phải đánh đổi mạng sống để mưu sinh. Vì theo truyền thống, các hải nữ thường lặn “chay”, có nghĩa là nhịn thở theo khả năng, không hề có bình oxy. Và chỉ một sơ suất nhỏ, hoặc một vấn đề sức khoẻ xảy đến bất chợt là điều tồi tệ nhất sẽ đến với họ. Khi đến thăm Seogwipo, một trong những thị trấn vẫn có các hải nữ hoạt động, chúng tôi đã nghe kể rất nhiều về những tai nạn thương tâm. Nghề lặn biển của các hải nữ nơi đây thật sự là một canh bạc đắt giá!

Cũng chính vì có nhiều nguy cơ dẫn đến hậu quả, và tình hình kinh tế thời hiện đại đã không còn quá bức bách như xưa, nên cũng không còn nhiều hải nữ theo nghề. Trong tương tai không xa, có thể câu chuyện về các hải nữ ở đảo Jeju sẽ chỉ còn là những huyền thoại đẹp.

Chúng tôi dành phần lớn thời gian ở đảo Jeju để đi tìm những hải nữ. Thời gian ít ỏi còn lại, chúng tôi đã có những phút giây thư giãn để tận hưởng mùa hè với lá hoa bừng nở và biển trời khoáng đạt của Jeju.

Những bài viết liên quan: