Bài và ảnh: Tấn Vịnh

Tập quán căng dái tai để đeo đồ trang sức đã từng tồn tại ở nhiều tộc người, trong đó có cư dân Đông Sơn cách nay hơn 2000 năm. Lối phục sức này gần đây còn được bảo lưu, gìn giữ ở một số dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên như Mnông, Mạ, Xtiêng, Cơtu, Brâu… Trong quá khứ họ được mệnh danh là những người “cà răng căng tai”. Với dái tai được căng rộng họ có thể đeo được các loại bông tai đeo bằng gỗ, tre nứa, ngà voi, chì, đồng hoặc vàng.

Để có dái tai như vậy phải trải qua một thời gian dài. Lúc đầu họ dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai. Gai cây chanh để nguyên mũi nhọn chỉ cạo sạch vỏ, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ lỗ tai.  Phải xỏ ngay chính giữa dái tai, nếu xỏ không vào chính giữa, sau này tai căng ra không được to. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên cây gai dính vào tai, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước gừng đunsôi. Khi tai hết chảy máu và vết thương đã thật lành lặn, họ bắt đầu vặn cây gai cho vào dần mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Người ta lại vót cây khác to hơn, cũng có đầu to đầu nhỏ. Bên đầu nhỏ vừa xỏ lọt lỗ tai, hằng ngày cứ tiếp tục vặn dần vào cho dễ. Khi đầu to của cây lọt qua lại tiếp tục làm cây khác lớn hơn. Cứ làm như thế nhiều lần, lấy sợi chỉ quấn lại, dùng nước gừng đun sôi rửa hằng ngày, cứ để vậy cả tháng là lành và vài tháng sau có thể đeo vòng trở lại được. Vòng tai sau khi được nối lành không được căng thêm nữa, chỉ đeo những vật nhẹ thôi.

Những người giàu có, khá giả thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẫu ngà voi làm đôi bông tai (mlo tôr la) kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi gần đến vai. Tập quán trang sức này được nhắc đến trong các câu ca dao của người M’nông như: “Hợp với tai mới đeo ngà voi; hợp với cổ mới đeo xâu cườm; hợp với đầu mới quấn cườm hoa”.  Đàn ông, đàn bà dân tộc Mnông, Mạ, X’tiêng, Bih… đều thích đeo bông tai ngà voi. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội… phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng. Vì thế một đôi bông tai ngà voi trị giá bằng một con trâu có sừng dài một hăt (một đơn vị đo chiều dài cổ truyền của người M’nông, được tính từ cùi chõ đến ngón tay giữa khi được duỗi thẳng) hoặc là một chiếc ché cổ.

Nhìn đôi “hoa tai” và lỗ tai có thể biết được chủ nhân của nó là người như thế nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn. Người đàn ông giàu thì đeo ngà voi, còn người nghèo thì chỉ đeo khúc cây khúc tre hoặc đeo đôi bông ngà voi giả. Chiếc ngà giả làm bằng củ sắn phơi khô, nhìn đằng xa cũng giống ngà thật. Có người chỉ căng nhỏ dái tai chỉ vừa để đeo khoen bằng nhôm. Người đàn bà giàu cũng đeo ngà voi. Có người thích đeo vòng bạc, vòng chì, phía dưới có treo xâu lục lạc kết thêm một chùm hoa bằng đồng một chùm hoa bằng sợi chỉ đỏ, treo thêm xâu cườm, khi đi đôi tai lắc qua lắc lại trông rất nặng nề, nhưng chúng va chạm vào nhau tạo nên tiếng nhạc lục lạc nghe rất vui tai.

Ngày nay, tàn tích của tập quán căng tai chỉ thấy ở các cụ già. Dái tai của họ sề xuống, có lỗ khá rộng, minh chứng cho một thời từng sở hữu đồ trang sức quý và biết cách làm đẹp theo kiểu xưa của cộng đồng. Mặc dầu có lỗ dái tai đặc biệt như vậy nhưng rất hiếm trong số họ còn đeo hoa tai vì những hoa tai truyền thống như ống nứa, ngà voi, vòng nhuôm đã bị đồng bào từ bỏ khá lâu. Những bông tai bằng ngà voi là tài sản quý giá nhất của đồng bào cũng không còn nữa vì phần nhiều họ đã bán cho những người săn tìm đồ cổ, những hiện vật dân tộc. Tập quán trang sức này đã mờ nhạt dần theo thời gian. Giới trẻ ngày nay không còn ai căng tai mà để dái tai phát triển tự nhiên và đeo những bông hoa tai hợp thời trang.