Năm âm lịch Bính Thân là năm thuộc về loài khỉ. Với những người ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên hoang dã, khỉ tại Việt Nam thường chỉ được biết dưới hình dáng nhỏ đuôi dài, màu nâu xám, sinh sống thành đàn tại một vài khu du lịch. Song đó chỉ là một trong 25 loài khỉ đang hiện diện tại Việt Nam. Tìm hiểu về đời sống của khỉ ở Việt Nam cũng là một điều rất thú vị, bởi đây là quê hương của nhiều loài linh trưởng, một giống động vật có nhiều điểm tương đồng với con người.
Các loài linh trưởng tại Việt Nam phân bố rải rác trên khắp các vùng rừng núi, trong đó có những nhóm phổ biến như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài…, mỗi nhóm có đặc tính sinh sống khác nhau. Nếu như khỉ đuôi lợn hay còn gọi là khỉ xám thường cư trú nương theo các hang đá, kiếm ăn trên cây và mặt đất thì khỉ mặt đỏ lại thường sinh sống ở tán cây thấp, khả năng bơi lội rất giỏi nên còn hiện diện tại những vùng rừng ngập mặn. Ngư dân tại các quần đảo Bái Tử Long, Côn Đảo, Thổ Chu thường bắt gặp cảnh khỉ bơi từ đảo nọ sang đảo kia, điều này vẫn thường diễn ra khi đến mùa kết bạn của chúng. Trong những cánh rừng nguyên sinh, người đi rừng vẫn thường nghe tiếng hú lảnh lót của vượn và đôi khi bắt gặp chúng di chuyển thành đàn trên tán cây. Tại các Vườn Quốc gia Cát Bà, Nam Cát Tiên hiện đang nuôi dưỡng những cá thể linh trưởng này. Vẻ đẹp, trí thông minh của chúng khiến du khách đặc biệt chú ý.
Khỉ từng hiện hữu trên mọi cánh rừng phủ tới 90% diện tích Việt Nam. Tuy nhiên, địa bàn cư trú của khỉ hiện nay đã bị thu hẹp lại trong những khoảng rừng rất nhỏ khiến sự sinh tồn của chúng gặp thách thức. Một số loài thậm chí đối diện nguy cơ tuyệt chủng.
Nói tới các loài đặc hữu, có lẽ đẹp nhất, quyến rũ nhất với giới khoa học và người yêu thiên nhiên chính là voọc mũi hếch Bắc bộ. Hiện trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 200 cá thể đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó quần thể 130 con voọc trên cao nguyên đá Hà Giang là nhóm được giới khoa học đánh giá cao nhất về khả năng sinh tồn và gia tăng số lượng.
Kế đó là voọc chà vá chân xám, cũng là một loài đặc hữu duy nhất trên thế giới chỉ sinh sống tại Việt Nam với khoảng 1.000 cá thể. Thời gian vừa qua, một quần thể voọc chà vá chân xám mới được phát hiện tại tỉnh Kon Tum, đây là điều có ý nghĩa quan trọng cho tiềm năng sống sót và phát triển của giống loài đặc hữu này.
Độc đáo nhất bởi sự biệt lập là khỉ đuôi dài Côn Đảo. Sống trên đảo cách xa đất liền, rất hiếm xuất hiện trước ánh mắt con người nên khá ít người hiểu rõ về tập quán, thói quen của khỉ đuôi dài Côn Đảo. Hòn đảo được mệnh danh “Thiên đường hạ giới” này hiện còn khoảng 1.500 – 2.000 cá thể khỉ đuôi dài, đây quả là tin vui cho những người làm khoa học và bảo tồn thiên nhiên.
Với những nỗ lực của cộng đồng, và sự trợ giúp của các tổ chức khoa học và bảo tồn, trong tương lai các quần thể linh trưởng ngoài thiên nhiên sẽ có thêm cơ hội sinh tồn, phát triển để bức tranh thiên nhiên càng thêm tươi sắc.