Bài: TS. Trần Tấn Vịnh
Ảnh: Lại Diễn Đàm, Đan Toàn, An Thành Đạt, Lê Vấn
Mùa xuân đến là sự vận động, đổi thay của đất trời, cây đâm chồi, nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Mỗi vùng có tín hiệu báo xuân khác nhau, miền Bắc hoa đào, miền Nam hoa mai, Tây Nguyên hoa gạo, hoa cà phê, hay muôn vàn hoa dại dệt thảm trên những cánh rừng. Ngày xuân là dịp để tâm hồn con người được lắng lại, nghỉ ngơi sau một năm miệt mài với gánh nặng công việc, bỏ lại đằng sau những lo toan để vui sống, hướng đến ngày mai tươi đẹp. Di sản văn hóa của quê hương chính là nguồn sữa mẹ dồi dào có thể làm cho con người thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hướng đến cuộc sống tâm linh.
Ngày đầu xuân, người Việt có tục lệ viếng thăm lễ lộc tại các đền chùa. Phong cảnh đẹp, yên tĩnh cõi thiền phù hợp với không khí lắng dịu, trầm ấm. Hương hoa nơi điện Phật thơm ngát làm cho tâm hồn con người phấn chấn. Bà con vào chùa lễ Phật đầu năm để cầu mong cuộc sống tốt đẹp, bình an, thịnh vượng cho gia đình, người thân của mình trong năm tới. Nhu cầu tâm linh của con người rất lớn nên nảy sinh thành lễ hội như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Bà Chúa Kho, Bà Chúa Xứ…
Ngày Tết cũng là ngày để con người thăm viếng, gặp gỡ, chúc phúc cho nhau. Trước tiên không quên viếng, dâng hương ông bà, tổ tiên, tưởng nhớ người quá cố. Nén hương đầu năm chẳng những để tỏ lòng tri ân người đi trước mà còn cầu mong nhận được từ họ sự chở che, phù hộ. Nhà thờ họ, bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ những ngày đầu năm, nhất là mùng Một thơm ngát hương trầm, tươi màu ngũ quả vừa ấm cúng vừa linh thiêng vì họ được đón rước linh đình về cùng cháu con ăn Tết. Vui vầy với người thân, bạn bè, chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, đồng nghiệp là nghĩa cử không thể thiếu trong những ngày xuân.
Xưa kia, ba ngày Tết sân đình, trường làng là nơi vui nhất. Các trò chơi dân gian được tổ chức lôi cuốn mọi người, tiêu biểu nhất là Hô hát bài chòi đầu xuân. Đây vừa là trò chơi, vừa là hình thức diễn xướng múa hát vui nhộn, thỏa mãn thị hiếu của lớp người cao tuổi. Bà con các dân tộc sinh sống ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên cũng ăn Tết như người Kinh, tiếng cồng chiêng ngân vang, điệu múa xoan, múa tân tung rộn ràng khắp buôn làng. Vũ điệu cồng chiêng của trai gái bên cây nêu thể hiện tâm hồn, sức sống mạnh mẽ của đồng bào miền núi. Nhiều lễ hội trong Nam ngoài Bắc cũng được khai mở vào ngày đầu năm như lễ Xuống đồng của người Mông, người Tày, hội Lim của vùng quan họ Bắc Ninh, lễ hội hoa ban… và đó cũng là dịp để con người sáng tạo và hưởng thụ các di sản văn hóa.
Ngày Tết cũng là lúc con người, nhất là lớp trẻ thích đến tham quan các danh lam thắng cảnh. Di sản của thiên nhiên như thác ngàn, núi rừng, sông suối, biển hồ cũng là nơi để con người nương tựa nhằm tăng thêm sức mạnh, tinh lực. Thiên nhiên trong lành, đón nhận và tinh lọc tất cả làm cho con người nguồn sinh lực mới.
Tết là lúc hội tụ tinh hoa của đất trời và của con người. Tết là một di sản chứa đựng yếu tố vật chất lẫn tinh thần, giữa văn hóa vật thể và phi vật thể. Tết được hình thành từ xa xưa với bao tập tục tốt đẹp lưu truyền. Lễ hội đón Tết cần được bảo tồn và phát huy, cho hương xuân thêm lắng đọng, làm phong phú cho cuộc sống con người.