Tạp chí Heritage tổng hợp
Nhã nhạc Cung đình là loại hình nghệ thuật truyền thống, vừa mang âm hưởng dân gian vừa có tính chuyên nghiệp và bác học. Với âm điệu đặc trưng và đầy tính sáng tạo, Nhã nhạc Cung đình Huế đã trở thành lựa chọn thưởng thức của nhiều du khách khi đến với xứ Huế mộng mơ. Cũng chính vì ý nghĩa son sắc và sự đặc biệt trong câu ca, hình thức biểu diễn, “đặc sản” cố đô đã lọt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận. Đây cũng chính là sự khẳng định về một biểu tượng hưng thịnh của triều đại phong kiến hào hùng xưa.
Nhã nhạc Cung đình Huế – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
(Nguồn: Ban Dân vận Trung ương)
1. Sự vinh dự ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Nhã nhạc Cung đình
Nhã nhạc Cung đình là thể loại âm nhạc dùng trong những dịp lễ nghi cúng tế, quốc lễ do triều đình tổ chức và phục vụ cho sinh hoạt của vua chúa, hoàng tộc. Nhã nhạc thường được biểu diễn trong các buổi Tế giao, Tế miếu, Thường triều, Đại triều… Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc minh chứng tường tận câu trả lời của câu hỏi di sản văn hóa phi vật thể là gì.
Âm nhạc và lời hát tao nhã, điệu thức quý phái, mang đến sự trang trọng cho các buổi lễ. Nhã nhạc Cung đình được xem là biểu tượng của sự hưng thịnh, trường tồn của thời đại, uy nghi của vương quyền nên rất được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng.
Biểu diễn Nhã nhạc thời nhà Nguyễn
(Nguồn: Internet)
Đây là những sản phẩm tinh thần gắn bó với cá nhân, cộng đồng, vật thể hoặc không gian văn hóa liên quan, mang giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa và thể hiện được bản sắc cộng đồng. Giữa tháng 12/2004, Nhã nhạc Cung đình Huế chính thức nhận được danh hiệu cao quý này từ UNESCO.
Không chỉ là niềm tự hào to lớn đối người dân xứ Huế, đây còn là minh chứng rõ nét về giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhã nhạc Cung đình còn mở ra cơ hội giới thiệu, quảng bá, tạo dấu ấn riêng cho du lịch Huế, xứng danh là Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.
2. Lịch sử hình thành và phát triển của Nhã nhạc Cung đình qua các thời kỳ
Lịch sử ghi nhận Nhã nhạc Cung đình đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Khởi nguồn từ thời Lý – Trần, Nhã nhạc được gìn giữ, sáng tạo và đạt đến đỉnh cao vào triều nhà Nguyễn. Đặc biệt, trong những năm đầu lập nghiệp ở phương Nam, vua Gia Long còn dùng Nhã nhạc như một hình thức để “di dưỡng tinh thần”.
Nhã nhạc Cung đình ra đời vào thời nhà Lý và bắt đầu hoạt động có quy củ từ đó. Âm nhạc mang hơi hướng tao nhã, cao sang, thể hiện quyền lực của chế độ quân chủ phong kiến. Qua thời đại khác, Nhã nhạc lại có sự biến chuyển rõ rệt.
Đến thời nhà Lê, loại hình Di sản văn hóa phi vật thể này có kết cấu chặt chẽ, phức tạp hơn, quy mô tổ chức chi tiết và rõ ràng, chỉ dành cho giới quý tộc, bác học. Từ đây, Nhã nhạc Cung đình được phân ra thành nhiều thể loại như Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Giao nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc…
Nhã nhạc Cung đình được sử dụng trong các lễ tế quan trọng
(Nguồn: Báo điện tử Dân Việt)
Sau khi suy yếu vào cuối thời Lê, Nhã nhạc trở lại, phát triển mạnh và được tổ chức bài bản hơn ở thời nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, Nhã nhạc Cung đình được xây dựng theo mô thức quy phạm chuẩn với hàng trăm nhạc chương. Đến nay, thể loại âm nhạc truyền thống này vẫn thường xuyên được trình diễn trong các chương trình quảng bá du lịch, lễ hội hay nghi thức ngoại giao.
3. Vai trò của Nhã nhạc Cung đình Huế
Khác với các thể loại âm nhạc tại Việt Nam, Nhã nhạc Cung đình là loại hình duy nhất mang tính chất quốc gia. Nhã nhạc đóng vai trò như thành tố của một buổi lễ, không tồn tại độc lập mà gắn bó mật thiết với quy trình thực hiện nghi lễ. Bên cạnh đó, loại hình âm nhạc này còn mang giá trị nổi bật về mặt lịch sử, nội dung và nghệ thuật. Đây được xem là phương tiện thể hiện quan điểm, triết lý của người xưa về vũ trụ và nhân sinh.
4. Khám phá giá trị nghệ thuật
Là một trong các Di sản văn hóa phi vật thể và thế giới, Nhã nhạc Cung đình Huế có giá trị nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Điều này thể hiện rõ nét ở những khía cạnh dưới đây:
4.1 Cấu trúc nhạc chương của Nhã nhạc Cung đình Huế
Hệ thống nhạc chương trong Nhã nhạc được biên soạn bởi bộ Lễ. Trong giai đoạn đầu triều Gia Long, nhạc chương được xây dựng trên cơ sở kế thừa cấu trúc và hình thức Nhã nhạc trước đó rồi bổ sung thêm các thể loại khác như Ty Trúc Tế Nhạc, Huyền Nhạc, Ty Khánh, Ty Chung, Ty Cổ. Sử sách nhà Nguyễn ghi nhận 12 cuộc lễ, mỗi cuộc đều có đủ các bài ca chương, tổng cộng 126 bài ghi nguyên gốc và bản dịch.
Phục dựng dàn nhạc lễ Nguyên Đán
(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Tùy theo buổi lễ mà nhạc chương sẽ có sự khác biệt. Cụ thể như sau:
- Tế Xã tắc cầu mong được mùa: 7 nhạc chương mang chữ Phong.
- Tế Miếu cầu hòa hợp: 9 nhạc chương mang chữ Hòa.
- Tế Lịch Đại Đế vương thể hiện trí tuệ: 6 nhạc chương mang chữ Văn.
- Lễ Đại triều tỏ ý hòa bình: 5 nhạc chương mang chữ Bình.
- Lễ Vạn thọ ngụ ý trường tồn: 7 nhạc chương mang chữ Thọ.
- Lễ Đại yến mong phúc lành: 5 nhạc chương mang chữ Phúc.
4.2 Tổ chức nhạc khí trong Nhã nhạc Cung đình Huế
Về nhạc khí, loại hình di sản văn hóa phi vật thể này được tổ chức theo 6 loại ban nhạc là: Nhã nhạc, Đại nhạc (cổ xúy đại nhạc), Tiểu nhạc (tri túc tế nhạc), Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Tỳ chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc. Mỗi ban nhạc sẽ được quy định một loại nhạc khí cụ thể. Các loại nhạc khí phổ biến trong Nhã nhạc Cung đình Huế gồm có trống cái, đàn huyền tử, cái sáo, cái phách, đàn nhị, đàn tỳ bà…
4.3 Nhã nhạc kết hợp cùng múa Cung đình
Đến thời nhà Nguyễn, các điệu múa Cung đình trở nên phong phú và đa dạng hơn với các điệu long, ly, quy phượng, múa quạt hay múa đèn. Trong buổi đại lễ, Nhã nhạc kết hợp cùng múa Cung đình tạo thành tiếng nói huyền diệu để nhà vua giao cảm với trời đất và toàn thể nhân dân hướng về các bậc thần linh, tiên tổ. Các bộ phận trong ban nhạc được đảm nhận bởi những nhạc công, ca vũ công tài năng.
Loại hình nghệ thuật mang đến nét đẹp tao nhã và tầm vóc quốc gia
(Nguồn: Vietnam Golden Books)
4.4 Giữ gìn giá trị phi vật thể nhân loại
Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam luôn là công tác được quan tâm hàng đầu. Nhã nhạc Cung đình Huế được bảo tồn từ những năm 1992 bởi sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế. Tháng 3/1994, UNESCO cùng các đơn vị có liên quan đã tổ chức một Hội nghị Quốc tế nhằm bảo vệ, giữ gìn và phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể Cố đô.
Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế đã lưu giữ được rất nhiều bản nhạc quan trọng như Long ngâm, Long đăng, Tiêu khúc cùng 10 bài Ngự. Một số bài nhạc quan trọng trong dàn Đại nhạc cũng đã được phục hồi thành công.
5. Ghé thăm Huế đừng bỏ qua di sản văn hóa phi vật thể ở những nơi đây
Hiện nay, du khách yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là Nhã nhạc Cung đình Huế có thể đến các địa điểm sau:
Trên sông Hương
Đây là một trong những địa điểm thường xuyên được du khách lựa chọn để thưởng thức Nhã nhạc. Chương trình bao gồm tour thuyền rồng đi dạo trên sông Hương, trình diễn Nhã nhạc Cung đình và nhiều thể loại âm nhạc truyền thống khác.
Nhà hát Duyệt Thị Đường
Duyệt Thị Đường là nhà hát được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, phục vụ biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế. Không chỉ là không gian diễn xướng cổ với kiến trúc độc đáo, nơi đây còn phục vụ các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, múa Cung đình…
Giá vé xem Nhã nhạc Cung đình: 100.000đ/người.
Nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi không thể bỏ lỡ khi bạn muốn thưởng thức Nhã nhạc tại Huế
(Nguồn: Facebook Ho Nhat Phuong)
Các suất biểu diễn:
- Trên sông Hương: 18h00, 19h00 hoặc 20h00.
- Nhà hát Duyệt Thị Đường: 10h00 – 10h40 và 15h00 – 15h40.
Nhã nhạc Cung đình là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào của người dân xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Tạp chí Heritage tin rằng loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này sẽ dần trở nên gần gũi hơn với đời sống tinh thần của thế hệ trẻ trong tương lai.
Bài viết liên quan: