GS.TS Trịnh Sinh
Mo Mường là di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của người Mường. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1948, nhà dân tộc học người Pháp là bà Jeanne Cuisinier đã ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến Mo Mường và đã viết một cuốn sách nổi tiếng là “Người Mường”, trong đó, bà đã khảo sát về Mo Mường, thày mo và các nghi lễ. Sau đó, nhiều nhà dân tộc như giáo sư Từ Chi cũng đã đi sâu nghiên cứu thế giới của Mo Mường thể hiện trong tác phẩm “Người Mường ở Hoà Bình” xuất bản năm 1996. Năm 2016, Mo Mường ở Hoà Bình đã được xếp hạng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia về “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”. Mới đây, nhà nước Việt Nam chuẩn bị hồ sơ trình tổ chức UNESCO đề nghị vinh danh Mo Mường là di sản phi vật thể của nhân loại.
Mo Mường là di sản độc đáo của dân tộc Mường, một dân tộc sống lâu đời ở Việt Nam ở vùng thung lũng chân núi các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá… Theo các nhà dân tộc học, người Mường có cùng huyết thống, gần gũi với người Việt từ cái gốc xa xưa là cư dân văn hoá Hoà Bình cách đây hàng nghìn năm. Vì thế Mo Mường đã phản ánh phần nào tín ngưỡng của những dân tộc anh em trong bước đường khai phá vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ xa xưa đến ngày nay.
Mo Mường là một dạng chuyện kể truyền thuyết về thế giới quan, nhân sinh quan, các phong tục, nghi lễ truyền miệng quanh bếp lửa, gần đây mới được ghi lại trong sách vở. Hiện nay, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Mo Mường đã sưu tầm được khoảng 115 “Roóng Mo” (tương tự như chương, hồi) với hơn 44.000 câu thơ Mo và để trình diễn hết các bài Mo phải mất 23 ngày liên tục.
Các chuyện trong Mo thật lãng mạn, trữ tình. Nổi tiếng là câu chuyện “Đẻ đất, đẻ nước” kể về thuở trời đất mới tách khỏi nhau, ra đời vũ trụ sau một cơn “Đại hồng thuỷ”, dưới quyền cai quản của “Vua Trời”. Trên mặt đất có ba người là thuỷ tổ loài người: anh cả là Tá Cài, em trai là Tá Cần, em gái là Giạ Kịt. Người em trai đã kết hợp với em gái mà thành đôi vợ chồng đầu tiên trên thế giới. Vũ trụ trong cách hiểu của người Mường gồm có Mường trời, Mường người, Mường ma, Mường dưới nước…
Mo Mường thường được kể trong 23 nghi lễ tín ngưỡng như tang ma, cầu phúc lộc, trừ tà, mừng năm mới. Trong các nghi lễ này, hiện nay còn phổ biến nghi lễ “mát nhà” mang ý nghĩa như lễ cầu an, giải hạn của người Việt.
Nghi lễ “mát nhà” thường diễn ra vào dịp đầu năm mới, cầu cho mùa màng tươi tốt, gia đình bình an hay dịp gia đình đang gặp tai ương, bệnh tật để giải hạn. Trong việc thực hành nghi lễ, vai trò của các thày Mo rất quan trọng. Họ là người làm cầu nối giữa thần thánh với nhân gian. Họ thuộc lòng các áng Mo và kể lại các chuyện Mo trong lễ mát nhà. Vừa kể chuyện, các thày vừa đổ nước vào cái bát. Người Mường quan niệm nước là chất giúp cho mọi vật mát mẻ, thêm sinh khí và xua đuổi tà ma. Hành trang của các thày mo có các “túi khót” là các đồ thiêng và quý như “lưỡi tầm sét” (rìu đá cổ), nanh lợn lòi, vòng đá đeo tay, viên đá lạ… Những đồ này được đặt trong chiếc bát đựng nước để vẩy làm cho mát khắp nhà.
Quá trình thực hành nghi lễ “mát nhà” bắt đầu từ việc chuẩn bị mâm cỗ cúng thần linh và cả mâm cỗ cúng ma. Trong mâm cỗ không thiếu được món thịt vịt, theo quan niệm vịt là con vật để thần linh cưỡi trong quá trình đi xuống trần gian, còn có món cá nướng, xôi nhiều màu, thịt gà, các loại bánh, rượu…Mâm cỗ trừ tà thường đặt ở cửa chính, mang ý nghĩa là cho ma ăn một bữa no nê rồi đuổi ra khỏi nhà, tránh mọi phiền nhiễu về sau.
Nghi lễ “mát nhà” bắt đầu tiến hành tại không gian thiêng của ngôi nhà sàn, tức là ở cửa sổ chính, nơi là cầu nối cõi trần và cõi âm. Thày Mo sẽ báo cáo với Thánh Thư của gia chủ, rồi mời các thần Hoàng bản thổ, thổ công, thần nông nghiệp về thụ lộc. Thày Mo thường đội mũ và mặc áo lễ màu đỏ, tay cầm chiếc quạt để xua đi khí xấu, lấy khí tốt, mát mẻ về. Sau nghi lễ làm “mát nhà”, tiếp đến là tục thày Mo buộc chỉ màu ở cổ tay cho mọi người để cầu phúc.
“Mát nhà” cùng với hơn 20 nghi lễ khác có sự tham gia của các thày Mo đã là nghi lễ khép kín, ngày nay vẫn đang thực hành trong dân tộc Mường.