Bài: Hương Quỳnh
Ảnh: Bá Ngọc

 

Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ là nơi mà tình yêu ví, giặm được lan tỏa và các bạn trẻ được truyền cảm hứng để làm sống dậy vẻ đẹp của loại hình âm nhạc dân tộc này.

Trong 11 Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, có đến 7 loại hình âm nhạc dân tộc. Đó là Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ và Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Âm nhạc dân tộc được vinh danh nhưng sức sống của nó đang chịu nhiều ảnh hưởng của đời sống văn hóa hiện đại. Phải làm thế nào để âm nhạc dân tộc lan tỏa trong cuộc sống và được đón nhận từ tình yêu của các bạn trẻ. Những năm qua, Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ đã là nơi mà tình yêu ấy được lan tỏa và các bạn trẻ được truyền cảm hứng để làm sống dậy vẻ đẹp của những làn điệu dân ca ví, giặm.

Hình thành cách đây 4 năm từ một nhóm nghệ sỹ trẻ yêu thích ví, giặm, đến nay Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ đã có tới 10 câu lạc bộ nhỏ ở Hà Nội với hơn 100 hội viên. Từ đây, các làn điệu và lời cổ của ví, giặm đã được sưu tầm lại một cách có hệ thống và được học tập, trao truyền trong môi trường diễn xướng của loại hình dân ca này. Chàng trai trẻ Lê Thanh Phong – Giám đốc Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ là người đã gắn bó với hoạt động của Đoàn từ những ngày đầu thành lập hơn ai hết rất hiểu tâm lý của các bạn trẻ trong việc đón nhận âm nhạc dân tộc. Lê Thanh Phong cho rằng muốn người trẻ tìm hiểu rồi yêu thích ví, giặm thì phải có phương thức tiếp cận, trao truyền phù hợp. Chính vì thế, những người khơi nguồn tình yêu ví, giặm cho thế hệ trẻ như Lê Thanh Phong đã không tiếc công sức để tạo một môi trường sinh hoạt nghệ thuật dân gian phù hợp. Các bạn trẻ không chỉ học hát những ca từ đơn thuần mà còn được sống trong môi trường của ví, giặm khi hóa thân thành các nhân vật diễn xướng với trang phục dân tộc, ngồi bên khung cửi dệt lụa hay chèo thuyền ca hát giữa sông nước mênh mang. Những cô gái lúng liếng hóa thân thành các o, các ả hát phường vải, phường đan, phường nón…, còn các chàng trai đóng vai cụ đồ hay chàng thư sinh nho nhã…

Cứ thế, những làn điệu ví, giặm giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha đã thấm vào tâm hồn những bạn trẻ. Thuộc ca từ, giai điệu những lời hát, lối hát cổ để rồi phát huy tính sáng tạo, hát ứng khẩu, vận dụng sáng tác những làn điệu mới mang hơi thở cuộc sống đương đại. Không chỉ sinh hoạt nội bộ, các bạn trẻ còn hào hứng với những chương trình quy mô mang tính chất biểu diễn giới thiệu, quảng bá để ví, giặm đến được với cộng đồng. Từ những buổi diễn trên sân khấu lớn tại các nhà hát hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến những buổi biểu diễn ngoài trời ở phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, những làn điệu ví, giặm đã được biết đến nhiều hơn.

Khi xuân đang đến cũng là lúc các nghệ sỹ trong Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ rộn ràng tập luyện để chuẩn bị cho chương trình Tết “Xuân qua miền ví, giặm” và xây dựng kế hoạch biểu diễn trong năm 2017 theo hình thức xã hội hóa để ví, giặm được quảng bá sâu rộng hơn nữa. Những bạn trẻ vẫn đang ấp ủ hoài bão để những làn điệu ví, giặm ngân xa, tỏa sáng những giá trị nhân văn và xứng tầm với danh hiệu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.