Winlinh
Cát Cát là một bản làng đặc trưng của người Mông thuộc xã San Sả Hồ, cách trung tâm thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) chừng 2km, nằm yên ả, quần tụ dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Bên cạnh nghề trồng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc, người làng Cát Cát còn nuôi dưỡng và phát huy rất tốt các nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi bật là nghề se lanh, dệt vải. Nơi đây có nhiều sản phẩm thủ công khiến biết bao du khách đến với Sapa vương vấn, phải lòng.
Nghề se lanh, dệt vải ở bản Cát Cát được những người phụ nữ H’Mông duy trì, lưu truyền bao đời thông qua tục lệ bà/mẹ truyền dạy cho con/cháu gái khi đến tuổi cập kê. Có tục lệ, vào ngày cưới của mình, các cô gái H’Mông sẽ mặc những chiếc váy áo do chính họ tự dệt nên với tất cả sự tự hào, nâng niu và tâm huyết. Những chiếc váy áo thể hiện sự khéo léo của cô gái với đức tính chăm chỉ, thuần hậu, đồng thời mang theo bao gửi gắm về khát khao sinh sôi, bình yên và hạnh phúc. Cũng theo phong tục người H’Mông, người chết khi liệm phải được mặc áo ngoài dệt bằng vải lanh thì linh hồn họ mới có thể quay về đoàn tụ với tổ tiên.
Nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm vải thổ cẩm là từ sợi cây lanh, vì sợi lanh vừa mềm vừa dai nên khi dệt thành vải sẽ rất bền. Người dân trồng lanh, khi cây lớn sẽ thu hoạch và bó thành đụn phơi cho đủ nắng gió. Khi lanh khô, họ mang về tước vỏ rồi đem luộc cho đến khi sợi lanh chuyển thành màu trắng tinh. Tước vỏ cũng phải có kỹ thuật, sao cho sợi lanh không bị đứt đoạn để hạn chế các mối nối nhất có thể. Khi nối sợi cũng phải rất tinh để sợi lanh được đều và đẹp. Sau công đoạn nối và se sợi bằng tay, người thợ sẽ lắp sợi vào guồng se tiếp trước khi cho vào guồng thu sợi. Kể từ đây, sợi lanh đã trở nên mướt mịn hơn sợi lanh thô ban đầu để chuẩn bị bước vào công đoạn dệt vải.
Trong bản Cát Cát, nhà nào cũng có khung cửi và phụ nữ nào cũng biết se lanh, dệt vải. Khung dệt của người phụ nữ H’Mông tuy đơn sơ nhưng bao đời nay đã dệt nên những tấm vải mịn màng, vuông vức rất bền đẹp. Những mảnh vải tuy chất phác, mộc mạc nhưng chứa đựng sự tỉ mỉ, đều đặn, thuần thục của người thợ qua từng nhịp dệt. Nó lột tả được đời sống của bà con nơi đây, đơn sơ, giản dị nhưng vẫn tinh tế, kiên định giữa núi rừng.
Vải dệt xong sẽ được ngâm trong nước chàm. Sau khi vò nát lá chàm để lấy thứ nước cốt sóng sánh ánh sắc xanh lá, đổ nước ấy vào thùng gỗ thông, người thợ ủ cùng một lớp tro bếp hoặc vôi để chàm không phai màu, rồi pha thêm nước và ngâm khoảng 6 – 8 ngày. Lúc này nước chàm chuyển sang màu xanh đậm và đã có thể đem nhuộm được. Sau khi nhuộm xong và phơi khô, người thợ chuyển sang công đoạn bôi sáp ong lên vải cho trơn láng và dùng con lăn bằng gỗ mài chúng trên tấm đá phẳng cho đến khi vải sáng bóng lên.
Sau nhuộm chàm là công đoạn in thêu hoa văn lên vải. Họa tiết hoa văn thêu tay của người H’Mông rất hài hòa, khéo léo với những hình thêu hoa cỏ, lá cây, muông thú và hoa văn đa sắc màu. Vì làm bằng phương pháp thủ công nên nét thêu không thể đều tăm tắp, song chính điều đó lại làm nên sự khác biệt và riêng có trong từng sản phẩm. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh thói quen sinh hoạt và đời sống tinh thần của người dân. Nó cũng cho thấy trí tưởng tượng phong phú và khát khao sống thuận hòa, hạnh phúc của mỗi con người H’Mông.
Qua bao mùa mưa nắng vui buồn, những người phụ nữ ở bản Cát Cát vẫn cứ cần mẫn se lanh, chuốt chỉ, dệt vải và thêu thùa. Mặc cho đời sống bao la ngoài kia có thay đổi chóng mặt đến mấy, thì nơi bản làng yên tĩnh này hoa vẫn nở, chim vẫn hót và những người phụ nữ vẫn mải miết se sợi, dệt vải vì họ sinh ra vốn dĩ là như thế. Không cần phân vân, đắn đo, họ cứ sống và làm những công việc truyền thống.
Những cây lanh lớn lên lại vào guồng dệt, những cây chàm già lá sẽ được tìm để nhuộm vải, những vuông vải thành hình sẽ được chắp cánh bằng các đường thêu khéo léo đầy sáng tạo với những tưởng tượng và ước mơ bay bổng, tốt lành. Sản phẩm vải dệt thổ cẩm của người dân Cát Cát đã lặng lẽ theo chân du khách về những vùng đất mới với sứ mệnh không hề nhỏ bé: Giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa đậm đặc, đa dạng của dân tộc Việt Nam.
Bài viết liên quan: