Bài: Winlinh
Ảnh: Kim Dung

Trong các loại vải may trang phục, lụa tơ tằm luôn được xếp hàng đầu bởi nó có nguồn gốc tự nhiên, được dệt bằng những sợi tơ do chính con tằm nhả ra.

Những bó tơ và cuộn tơ

Tương truyền, từ thời vua Hùng, dân ta đã biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ Việt, biết bao dải lụa mềm mượt óng ả đã ra đời. Xưa, lụa tơ tằm chủ yếu chỉ dành cho vua chúa hoặc những gia đình khá giả. Nay, lụa được sử dụng phổ biến hơn, ngày càng được yêu thích bởi chất liệu là sợi tơ tự nhiên, hút ẩm tốt, mỏng nhẹ, đem đến cho người mặc thần thái thanh tao và sang trọng. Để làm nên một tấm lụa hoàn chỉnh phải trải qua bao công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, lấy tơ, nhập tơ, guồng tơ, đánh ống, mắc cửi, nối cửi, dệt rồi nhuộm… Và phía sau từng công đoạn ấy là bao công sức, tâm huyết của người làm nghề mà không phải ai cũng cảm nhận được.

Để những con tằm nhả ra tơ bền đẹp, người thợ phải cho tằm ăn lá dâu vì đây là loại thức ăn tằm hấp thụ tốt nhất. Cây dâu đạt tiêu chuẩn phải được trồng ở vùng phù sa màu mỡ, đất có độ mặn thấp. Trong vòng đời kéo dài khoảng 25 – 30 ngày, tằm có 5 giai đoạn phát triển và tùy theo độ tuổi của tằm, người thợ sẽ cho tằm ăn lá dâu theo cách phù hợp. Việc nuôi tằm quyết định trực tiếp đến chất lượng sợi tơ, vì vậy người thợ phải đặc biệt chú trọng để đảm bảo tằm lớn khỏe và đầy đủ dinh dưỡng. Dân gian có câu “Nuôi ln ăn cơm nm, nuôi tm ăn cơm đng” vì người thợ luôn phải túc trực quanh nong tằm để chăm sóc tốt nhất.

Lá dâu non là thức ăn chủ yếu của tằm

Sau khoảng 6 ngày ăn liên tục, khi phát triển đến kích thước tối đa, tằm tìm nơi làm tổ. Người thợ nhanh tay đưa tằm lên né để tằm đóng kén. Né là tấm phên đan bằng thân cây đay hoặc các thanh tre, thanh gỗ tạo thành các lỗ hổng hình vuông hay hình chữ nhật. Tằm chín được nhặt từ nong sang né và bắt đầu giai đoạn nhả tơ kéo dài từ 3 – 8 ngày. Trong tuyến nước bọt của tằm có protein nên khi tằm nhả tơ ra không khí chúng sẽ khô và tạo thành các sợi tơ dai bền chạy quanh bên trong chiếc áo kén. Tằm nhả tơ cho đến khi đầy kén. Giai đoạn này, né được đưa ra ngoài ánh nắng nhẹ, giúp cho kén được khô và có màu vàng óng. Kén tằm đạt chuẩn phải mẩy, nhiều tơ, ít áo kén, dễ kéo tơ và đồng đều nhau.

Tiếp đến là quy trình ươm tơ để kéo sợi tơ từ kén tằm thành sợi tơ tằm. Người thợ cho kén tằm vào đảo trong nồi nước sôi để làm cho lớp keo tơ secirine tan ra giúp kén mềm, dễ rút sợi. Kén tằm được khỏa nước liên tục và cuốn vào guồng kéo sợi quay thành từng bó tơ dài rồi phơi lên sào cho khô. Sau khi phơi xong, tơ sẽ được cuốn vào những ống suốt để chuẩn bị cho quy trình dệt. Tùy theo chất lượng tơ, cách xử lý sợi tơ và cách xoắn sợi tơ, ta sẽ có những loại tơ khác nhau như sợi mốt, sợi mành, sợi đũi, sợi đơn, sợi khổ, sợi xoắn… rồi tùy theo cách dệt lại cho ra loại vải khác nhau.

Sợi tơ được mắc trên khung cửi để dệt vải

Theo phương pháp truyền thống, vải lụa được dệt bằng khung cửi. Người thợ dệt phải có tay nghề khéo léo, tỉ mỉ kiên nhẫn thì mới dệt được tấm vải ưng ý. Kiểu dệt cổ truyền là phối hợp các loại sợi dọc và ngang bằng cách tay đưa, chân dậm cùng lúc sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, độ dày vừa phải. Các sản phẩm dệt ra từ tơ tằm rất đa dạng như gấm, vân, lĩnh, đoạn, vóc, the, sa, xuyến, băng, cấp, lượt, lương, lụa, là, nhiễu, kỳ cầu, đũi, sồi, nái… nhưng lụa vẫn là sản phẩm chính, được ưa dùng nhất. Những vuông lụa dệt xong chỉ có màu trắng ngà hay vàng mỡ gà, muốn có màu sắc khác thì phải nhuộm qua nhiều công đoạn nữa, bằng các nguyên liệu từ tự nhiên như hột dành dành, lá bàng, than, gạch, mặc nưa…

Nói về tơ lụa, không thể không nhắc đến các làng nghề truyền thống có tiếng như Vạn Phúc, Phùng Xá (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Du khách muốn ghé thăm các làng lụa hãy đến Cổ Chất xem người dân ươm tơ, đến Nha Xá tận hưởng vẻ đẹp của ngôi làng có truyền thống dệt lụa 600 năm, đến Phùng Xá nằm bên bờ sông Đáy rộn tiếng thoi đưa. Và điểm dừng chân đáng nhớ sẽ là làng lụa Vạn Phúc nằm bên con sông Nhuệ, được xem như cái nôi của nghề sản xuất tơ lụa xứ Bắc với áo lụa Hà Đông đã trở thành biểu tượng tao nhã của đất Thăng Long Kẻ Chợ. Về miền Trung, du khách hãy tìm làng lụa Mã Châu để được sở hữu những dải lụa được dệt từ những sợi tơ từ con tằm ăn lá cây dâu trồng nơi phù sa của ba con sông Thu Bồn, Vu Gia và Bà Rén. Cuối cùng, không thể quên thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc, nơi chiếm 70% giá trị sản lượng tơ tằm cả nước với quy trình sản xuất hiệu quả nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Qua bao năm tháng, những tấm lụa tơ tằm mềm mượt được dệt nên từ sự tỉ mỉ và nhiệt tâm của những người thợ vẫn nối tiếp nhau ghi dấu bản sắc văn hóa Việt Nam.