Bài: Sở VH,TT và DL Tỉnh Long An
Ảnh: Sở VH,TT và DL Tỉnh Long An, Thu Phan, Kiều Oanh
Với vị trí tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Long An là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất địa linh, nhân kiệt. Long An có lịch sử hình thành từ rất sớm, cộng đồng cư dân cổ ở đây đã đạt đến đỉnh cao văn minh Đông Nam Á mà chúng ta được biết đến qua nền văn hóa Óc Eo một thời rực rỡ. Tên Long An được chiết tự và ghép thành từ tên của hai huyện Tân Long và Thuận An xưa, vốn là vùng đất căn bản của hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An sau này hợp nhất thành tỉnh Long An với ước vọng về sự an lành và thịnh vượng.
Hành trình về đất Phương Nam, du khách sẽ đi qua địa phận tỉnh Long An và không thể không dừng chân ghé lại nơi này bởi Long An hội tụ muôn sắc của vùng đồng bằng sông nước hữu tình, thơ mộng. Long An được biết đến với đôi dòng sông hiền hòa đã đi vào thơ ca, âm nhạc – đó là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, nơi lưu giữ bao nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Long An, nơi còn in mãi dấu chân của cha ông thuở “mang gươm đi mở cõi” đất Phương Nam.
Những câu chuyện kể về vùng Đồng Tháp Mười vô cùng thú vị, càng khám phá vùng trũng này càng thấy sự trù phú của thiên nhiên “ban tặng” cho tỉnh Long An. Với hệ sinh thái đa dạng động – thực vật, sông, rạch tự nhiên, Long An có nhiều địa điểm du lịch sinh thái thuộc vùng Đồng Tháp Mười như: Làng nổi Tân Lập; Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen – khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười – nơi được gọi là “rừng thuốc” với rất nhiều loại dược liệu quý hiếm, nơi có khu du lịch “Cánh đồng bất tận” từng là bối cảnh chính của bộ phim điện ảnh cùng tên và là nơi có rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất của Việt Nam.
Một trong những nét văn hóa đầu tiên làm nên sự khác biệt của Long An giữa vùng đồng bằng này là hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá đa dạng, phong phú với trên 120 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm cột, Chùa Tôn Thạnh,…; hơn 400 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau như Lễ làm chay, Lễ hội vía Bà Ngũ hành, Lễ kỳ yên Đình Tân Phước Tây… Điều kế tiếp làm nên sự khác biệt nữa, đó chính là con người Long An trung dũng, kiên cường trong kháng chiến bao nhiêu thì nay càng nhân hậu, thân thiện, hào sảng, mến khách bấy nhiêu. Long An còn được biết đến với gạo nàng thơm Chợ Đào, mắm còng Cần Giuộc, khóm Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, bánh tét Thủ Thừa, thanh long Châu Thành… và những món ăn tuy dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như cá lóc nướng trui, canh chua bông điên điển, cá rô kho tộ… Món ăn ở Long An là sự pha trộn hài hòa, sáng tạo của hương vị ẩm thực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng chính là điều làm nên nét độc đáo của ẩm thực tại Long An, thu hút khách du lịch đến với vùng đất đầy tiềm năng này.