Bài: TRƯƠNG QUÝ
Ảnh: VINH DAV, BÁ NGỌC

Đất nước Việt Nam có 3/4 diện tích là núi đồi, bởi vậy có nhiều con suối tạo thành mạch nguồn cho những dòng sông đem phù sa về bồi đắp các châu thổ, tạo thành địa bàn cư trú cho người Việt lâu đời. Những con suối là nguồn nước trong trẻo giữa chốn cao xanh, đã từ lâu trở thành một biểu tượng cho những gì cao quý: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Suối chảy trong thiên nhiên, đẹp nhất vào mùa thu khi không còn những cơn mưa lũ hay lúc khô cạn. Lúc này, dòng nước yên ả là chốn thanh tịnh để tìm về.

Suối Yến (Mỹ Đức - Hà Nội)

Suối nguồn cổ tích thượng du

Đã từ ngàn năm nay, những con suối là nơi các bậc chân tu lập am thiền định, nơi người vùng rừng lập miếu thờ các thần linh cầu an, nơi nhiều danh nhân rũ áo từ quan về ở ẩn. Bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) ca ngợi vẻ đẹp cảnh sắc vùng núi Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương ngày nay) khi ông về ở ẩn tại nhà, nơi có am tu tập của Trúc Lâm thiền sư Huyền Quang đời Trần: “Côn Sơn suối nước rì rầm, ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai” (bản dịch Nôm). Suối nước trên ngàn cũng gắn với ý niệm về nguồn tiên dược, gắn với sự tích “Đào Nguyên”, dòng suối hoa đào ở chốn Thiên Thai, nơi Lưu Thần, Nguyễn Triệu thời Hán bên Trung Quốc gặp tiên và kết duyên khi đi hái lá thuốc, đã du nhập vào Việt Nam với những phiên bản Từ Thức gặp tiên ở Nga Sơn (Thanh Hóa).

Nức tiếng từ nhiều thế kỷ đến tận bây giờ là suối Yến ở chùa Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Nội). Tên chữ là Yến Vĩ, suối là một nguồn nước chảy quanh vùng núi Hương Sơn, tạo ra một vùng đầm lầy tự nhiên và cuối cùng nhập dòng sông Đáy, tổng cộng dài 4km. Đây cũng là một chặng trong hành trình vãn cảnh chùa Hương Tích đã thành nếp của khách thập phương. Thực tế chính cảnh sắc suối Yến đã làm nên vẻ đẹp của quần thể, khi làm mềm hóa những hang động và núi non soi bóng xung quanh. Nếu mùa xuân những cây hoa gạo bên bờ là điểm nhấn thì mùa thu, cả dòng suối Yến rực rỡ hoa súng tím, hồng, khiến cho mùa du lịch chùa Hương không chỉ còn là 3 tháng mùa xuân nữa.

Suối Yến vào thu đẹp nức tiếng với mùa hoa súng

Nhiều dòng suối đã thu hút người hành hương như Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội), Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang) hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh) tạo ra những trầm tích văn hóa tín ngưỡng, khiến cho những dòng suối trở thành nơi ký thác những khát vọng bình an, tẩy trần phiền muộn cho nhân sinh. Thậm chí những dòng suối cá thần ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), khi đồng bào dân tộc Mường, Thái bằng ý thức bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, cũng tạo ra một huyền thoại nho nhỏ cho vùng sơn cước.

Dòng suối nổi tiếng nhất thời cách mạng chính là con suối được đặt tên một nhà lãnh tụ cộng sản thế giới: Lênin. Nguồn nước của sông Bằng này chảy qua hang Cốc Bó, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh dùng làm nơi làm việc khi trở về nước vào năm 1941. Suối Lênin và núi Các Mác trở thành một cặp địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng với làn nước trong xanh soi bóng những rừng cây và vỉa núi đá thâm u mang hơi hướng thần thoại. Không khí này trở nên đặc biệt khi mùa thu gắn với những ngày kỷ niệm cuộc cách mạng tháng Tám 1945.

Suối Lê-nin (Cao Bằng)

Suối xanh nằm nghe lá đổ

Theo thời gian, nhu cầu nghỉ dưỡng tăng lên, những con suối trở thành chốn vãn cảnh, tận hưởng sự tươi mát của thiên nhiên nơi núi rừng. Từ thời thuộc địa, người Pháp đã thiết lập một hệ thống các khu nghỉ mát trên núi cao từ Bắc vào Nam, mà hầu như nơi nào cũng có những dòng suối đẹp. Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì ở miền Bắc, Bạch Mã, Bà Nà ở miền Trung, và nổi tiếng hơn cả là những dòng suối ở thành phố Đà Lạt, nơi tập trung các dinh thự và khách sạn qua nhiều thập niên.

Những cuộc du ngoạn và cắm trại của thanh niên thập niên 1930 – 1940 đã ghi dấu ấn trong văn thơ nhạc họa, làm nên hình ảnh những dòng suối tựa như chốn tiên cảnh. Hình ảnh suối mùa thu trong tân nhạc đã tô điểm cho nét quyến rũ mộng ảo:

Suối mơ! Bên rừng thu vắng

Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng

Ngày chưa đi sao gió vương?

Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương…

(Suối mơ – Văn Cao)

Suối Moọc (Quảng Bình)

Dòng suối đẹp đẽ là nơi tao nhân mặc khách tìm đến hẹn hò, với những cái tên đã đi vào thơ nhạc như suối Cam Ly, suối Đá Bàn hay suối Vàng bên cạnh những thung lũng Vàng, đồi cỏ Hồng… Những con suối chảy qua các thác nước và nối với những mặt hồ lững lờ dưới những rặng rừng thông cao nguyên trong thời tiết dịu mát là tài sản quý giá nhất của cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt.

Biết bao thế hệ người Việt đã theo lời bài hát xưa mà thề ước: “Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối, nghe suối róc rách trôi, hòa lừng hương gió ngát, đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”. (Suối mơ – Văn Cao). Dòng suối mùa thu với lá vàng rơi, tiếng gió khoai thai, mùi hương hoa cỏ và không khí trong lành, là bức tranh của chốn tiên cảnh có thực. 

Suối Nậm Mu (Lai Châu)

Nhiều dòng suối khoáng nóng hoặc các địa điểm trên cao có nhiệt độ mát mẻ đã thành nơi đắc địa cho những khu nghỉ dưỡng tìm cách định vị hài hòa với thiên nhiên. Những cái tên suối khoáng nóng bỗng trở thành ưu thế trời cho của các địa phương như các suối khoáng Phù Yên (Sơn La), Quang Hanh (Quảng Ninh), Kim Bôi (Hòa Bình)… Suối nước không chỉ đẹp để ngắm nhìn, chúng còn là nơi phục hồi sức khỏe trong kỳ nghỉ, tất nhiên với điều kiện con người biết giữ gìn cảnh quan.

Dạo bước bên bờ suối trong mùa thu, con người có thời gian sống chậm lại như sự khoan thai của dòng nước chảy róc rách, cảm nhận về sự quý giá của thiên nhiên. Nước biếc bên non xanh, tụ hội âm thanh, sắc màu và hương thơm, có chốn nào tuyệt diệu hơn trong mùa thu?