Bài: Nguyệt Cát
Ảnh: Thu Phan
Người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh có câu “Giao thừa ra quận 1, Nguyên tiêu về quận 5” cho thấy “đặc sản” Sài Gòn dịp Tết có đường hoa Nguyễn Huệ ở quận 1 được tổ chức thường lệ từ trước năm 1975 và truyền thống thờ cúng, đi chùa cầu an, cầu tài lộc và cả cầu duyên ở quận 5 của cộng đồng người Hoa.
Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Người Việt có câu: “Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” với ngụ ý ngày rằm đầu tiên trong năm mới luôn cần phải tổ chức cúng lễ chu toàn nhất. Với người Hoa, rằm tháng Giêng cũng là ngày rằm quan trọng nhất trong năm và họ đã tổ chức thành hoạt động cộng đồng như một lễ hội lớn tại nơi sinh sống. Hoạt động chính trong Lễ hội Tết Nguyên tiêu của bà con Hoa Kiều là đi chùa cầu sức khoẻ, bình an, cầu phước lộc dồi dào để năm mới làm ăn suôn sẻ, cầu tình duyên để gặp được ý trung nhân. Ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp đến với mình nên người Việt sống ở quận 5 và những quận lân cận vào ngày này cũng nô nức đi chùa, tham gia lễ hội và Nguyên Tiêu trở thành dịp vui, lễ hội chung của người dân Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
Tâm điểm của Tết Nguyên tiêu chính là lễ hội diễu hành trên đường phố, được tổ chức từ năm 1990, đến năm 2020, Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được công nhận là Di sản văn hoá Phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội được tổ chức hoành tráng với cả nghìn diễn viên hoá trang lộng lẫy thành các nhân vật quen thuộc trong văn hoá người Hoa như: Quan công, Ngọc hoàng, ba ông Phước – Lộc – Thọ, tiên ông, tiên nữ, lão ông, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, tướng và quân sĩ, trạng nguyên, quan văn, quan võ… Ngoài ra còn có những nhóm rước lồng đèn, rước hoa và mâm ngũ quả, múa cờ, đặc biệt gây ấn tượng còn có nhóm diễn viên đi cà kheo. Đám rước chia thành từng nhóm nhỏ tiếp bước nhau ngay hàng thẳng lối trong tiếng kèn, trống rộn ràng qua các con phố kéo dài hàng kilomet như phố Hải Thượng Lãn Ông, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hoà, Trần Hưng Đạo và điểm đến cuối cùng là Trung tâm Văn hóa quận 5.
Lễ hội cũng là dịp phô diễn kỹ thuật đỉnh cao của các đoàn nghệ thuật múa lân – sư – rồng. Họ biểu diễn điêu luyện các tiết mục lưỡng long trân châu với hai con rồng được may và trang trí công phu, màu sắc rực rỡ, uốn lượn uyển chuyển quanh hạt châu được cách điệu do người cầm múa lượn nhịp nhàng. Các nghệ nhân múa lân và múa sư chuyển động tài tình theo nhịp dũng mãnh, từng động tác phối hợp với nhau rất ăn ý nhịp nhàng, đến cái chớp mắt cũng có hồn. Đặc biệt, những màn nhào lộn trên cột cao khiến người xem “đứng tim” và sau đó là vỡ oà thán phục.
Bên cạnh lễ hội diễu hành đường phố thì chùa Ông và chùa Bà nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 cũng là 2 địa chỉ tấp nập không kém. Dân Sài Gòn gọi là chùa Bà nhưng ở đây không thờ Phật, chính xác thì nơi đây có tên là Tuệ Thành Hội quán thờ bà Thiên Hậu. Tương truyền bà là một người có khả năng ban phước lành, che chở cho những người gặp nạn vì vậy rằm tháng Giêng người Hoa thường đến đây để cầu an, cầu phúc cho những người thân trong gia đình. Khu vực giếng trời ở đây được thiết kế để treo những khoanh hương vòng, trong mỗi khoanh hương có một tờ giấy hồng viết tên các thành viên trong gia đình để cầu bình an, tài lộc. Đến chùa vào những buổi sớm xuân khi khí trời mát mẻ, ánh sáng tinh khôi, nhìn những khoanh hương treo trên khoảnh sân đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Bởi thế mà rất nhiều nhiếp ảnh gia đã đến đây để “săn” những khoảnh khắc này.
Cách chùa Bà không xa là chùa Ông tên gọi Hội quán Nghĩa An, bởi đây là hội quán của người Hoa gốc Triều Châu vùng Nghĩa An, Quảng Đông, Trung Quốc. Chùa Ông thờ Quan Công biểu hiện cho nhân, nghĩa, trí, tín. Chùa Ông còn gọi theo tiếng Quảng là “Che Phua Mỉu” nghĩa là Miếu mượn phúc. Tết Nguyên đán và Nguyên tiêu người dân đến đây mượn lộc để làm ăn, cuối năm đến để trả lễ.
Khuôn viên chùa Ông có diện tích khoảng 2.000m2, từ cổng vào có ao rất rộng thả cá chép, sân rộng là nơi tổ chức các lễ phát lộc hoặc múa lân – sư – rồng. Trong miếu thờ Quan Công, ngoài ra còn thờ tượng ngựa Xích Thố, người dân tới lễ chùa Ông thể nào cũng rung chuông dưới cổ ngựa và chui dưới bụng ngựa 3 lần bởi người Hoa tin rằng làm như thế sẽ mang ý nghĩa cầu tài lộc và may mắn.