Chung Phu Qui
Lễ hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Miếu Bà tọa lạc dưới chân núi Sam, và là một di tích nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm lễ hội thu hút hàng vạn người tham gia. Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được chính thức công nhận là lễ hội quốc gia.
Bà Chúa Xứ là một nhân vật truyền thuyết được thờ trong miếu. Miếu có bố cục hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, góc mái vút cao. Bên trong miếu nổi bật nhất là bức tượng Bà Chúa Xứ, được tạc bằng đá son với dáng ngồi khoan thai, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng. Tương truyền dân gian, Thoại Ngọc Hầu, một vị tướng được nhà Nguyễn phong tước Hầu là người đã cho cất miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (lúc đầu, miếu được dựng lên bằng vật liệu đơn sơ: tre, lá…).
Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Mỗi phần lễ đều mang một thông điệp. Lễ tắm bà được tổ chức đầu tiên từ 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24 với mục đích lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Sau khoảng một giờ thực hiện nghi lễ, người dân được tự do lễ bái. Tiếp đó là lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà. Các bô lão trong làng và ban quản trị lăng sẽ mặc lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Thoại Ngọc Hầu đến Miếu Bà. Sau đó sẽ là màn dâng hương thỉnh an, tỏ lòng biết ơn với những người có công khai phá vùng đất hoang. Đến rạng sáng ngày 26, Lễ Túc Yết mới diễn ra, ở đó các bô lão trong làng dâng các vật cúng trước tượng bà, Lễ Xây Chầu tiếp đó lại những bài tuồng hát bộ được xướng lên với chiêng trống rộn ràng trước khi kết thúc với nghi lễ Chánh tế.
Cùng với phần lễ là phần hội sôi nổi với những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén…