Trần Đức Anh Sơn

Trong cuốn sách Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984), tác giả Trần Từ (tức nhà dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi) viết: “làng là tế bào sống của xã hội Việt Nam, là sản phẩm tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt” (tr. 11-12).

Tất cả các công đoạn sản xuất gốm ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) đều được làm thủ công

Điều đó có nghĩa: làng của người Việt không chỉ là một đơn vị hành chính, đơn vị văn hóa, mà còn là một đơn vị kinh tế, nơi tạo ra sinh kế và tác động đến đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư đang sinh tụ nơi đó. Đó cũng là lý do mà bên cạnh các làng thuần nông, lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp làm sinh kế chính, thì trên lãnh thổ nước ta còn có hàng chục ngàn làng nghề (thủ công nghiệp, ngư nghiệp) với lịch sử hàng trăm năm tuổi, góp phần định hình bộ mặt nông thôn và nền kinh tế phi nông nghiệp của người Việt trong hàng thế kỷ qua.

Làng nghề ra đời ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 11, khi triều đình phong kiến ở nước ta đã xác lập vững chắc và tiến hành xây dựng cung điện, thành quách… để đặt bộ máy cai trị, đồng thời trong giai cấp cầm quyền cũng hình thành thói quen dùng những sản phẩm chuyên dụng trong sinh hoạt thường nhật hay phục vụ các nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của họ. Từ đó, các sản phẩm thủ công ra đời, dẫn đến việc hình thành các nghề thủ công truyền thống và các làng nghề ở Việt Nam.

Sang thế kỷ 13, sản phẩm thủ công của người Việt đã bắt đầu xuất khẩu khi có sự giao thương giữa Đại Việt và các lân bang, nên các làng nghề xuất hiện ngày càng nhiều, và trở thành một mô hình kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Các làng nghề không chỉ giải quyết sinh kế cho một bộ phận rất lớn cư dân nông thôn, mà còn góp phần phát triển mạng lưới thương nghiệp liên vùng, đồng thời kích thích óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ, những ngành nghề truyền thống mang đậm bản sắc và dấu ấn văn hóa dân tộc, thậm chí còn biến Việt Nam trở thành một thị trường xuất nhập khẩu nhộn nhịp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thời đại Đại thương mại (Grand commercial age) vào các thế kỷ 16 – 17.

Làm chiếu ở làng nghề Định Yên (Đồng Tháp)

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề và nghề truyền thống của người Việt đã có nhiều biến động và đổi thay để thích ứng với thời đại, nhưng chưa bao giờ biến mất, cũng như vai trò của các làng nghề và nghề truyền thống trong cơ cấu kinh tế – xã hội ở nông thôn Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam vào năm 2020, hiện ở Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và nghề truyền thống. Trong số đó, có nơi còn giữ nguyên làng nghề như xưa (làng nghề); có nơi – nghề vốn là của riêng của một dòng họ hay một làng quê – nhưng nay đã lan tỏa khắp mọi miền, trở thành công việc mưu sinh của nhiều dòng họ, nhiều cộng đồng, nhiều thế hệ (nghề truyền thống). Song cũng có nơi – nghề xưa đã mất – chỉ còn dấu vết của một ngôi làng nghề cổ từng vang bóng một thời (làng cổ).

Sản phẩm niêu đất ở làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam)

Từ góc nhìn kinh tế, làng nghề và nghề truyền thống đã: tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; phát triển xã hội; phát triển du lịch ở địa phương…

 Trên phương diện văn hóa, thì làng nghề và nghề truyền thống là những nhân tố quyết định hình thành nên văn hóa làng – văn hóa nghề ở các miền quê Việt Nam thông qua việc tạo lập và phát huy các giá trị văn hóa được hình thành từ quá trình tạo tác, mua bán / trao đổi sản phẩm; từ quá trình truyền nghề cho các thế hệ kế cận; từ việc duy trì và thực hành các tập quán, tín ngưỡng, tập tục liên quan đến nghề và làng nghề…

Hầu như mỗi làng nghề hay mỗi nghề truyền thống đều có một vị tổ nghề. Việc thờ cúng tổ nghề đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa làng nghề. Cũng từ việc thờ cúng tổ nghề mà hình thành các di tích, phong tục tập quán và lễ hội gắn liền với nghề và tổ nghề. Ngoài ra, trong di sản của làng nghề còn có vốn ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ nói về nghề; những truyền thuyết, giai thoại về các vị tổ nghề; những bí kíp nghề nghiệp được gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ kế cận… Đó là những di sản văn hóa phi vật thể về nghề và làng nghề, tồn tại song hành với các di sản vật thể liên quan đến nghề và các nghệ nhân – những “nhân sinh quốc bảo” (living human treasures) – đã có công tạo nghề, giữ nghề và truyền nghề từ đời này sang đời khác.

Các thế hệ đều sản xuất theo nghề truyền thống ở làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp)

Ngày nay các làng nghề còn là những địa điểm du lịch thu hút du khách tìm đến tham quan và trải nghiệm. Du lịch làng nghề là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao, được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu và đang dần dần trở thành một trào lưu thời thượng. Du lịch làng nghề khai thác các giá trị văn hóa có từ làng nghề, từ sản phẩm của quá trình lao động, biến thành những tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, và trải nghiệm cùng với những người trực tiếp sản xuất ở các làng nghề.

Nhiều làng nghề ở Việt Nam đã chuyển đổi mô hình từ sản xuất hàng hóa đơn thuần thành làng nghề du lịch. Điều này không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm của làng nghề, mà còn tôn vinh văn hóa làng – văn hóa nghề, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng ở các làng nghề, biến những nơi này thành những điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Du lịch làng nghề đã nâng cao thu nhập của cư dân làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng; vừa quảng bá giá trị văn hóa cho các làng nghề, vừa bảo tồn được nghề truyền thống; vừa góp phần tôn tạo và giữ gìn cảnh quan của làng quê Việt trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt ở Việt Nam.

Bài viết liên quan: