Bài: Tuấn Hùng
Ảnh: Bá Ngọc
Phố Hàng Bạc – nơi lưu giữ và bảo tồn nghề kim hoàn truyền thống.
Thăng Long – Hà Nội vốn nổi tiếng là đất trăm nghề. Nhắc đến Hà Nội 36 phố phường, người ta nghĩ ngay đến khu phố cổ – phố nghề. Đây chính là nơi mà cư dân tứ xứ đem theo nghề thủ công truyền thống ở khắp các miền đất nước để mưu sinh, lập nghiệp qua buôn bán hay sản xuất. Hàng Bạc là một con phố mà từ khi hình thành đến nay vẫn lưu giữ được những nét truyền thống, vừa sản xuất vừa buôn bán chính các sản phẩm được làm ra trên con phố này.
Vào nửa cuối thế kỷ 15, kinh tế hàng hóa ở Thăng Long khá phát triển nên lượng tiền tệ đưa vào lưu thông ngày càng lớn. Bạc nén là loại tiền tệ thời bấy giờ nên nghề đúc bạc và đổi bạc có quan hệ chặt chẽ đến các hoạt động kinh tế của kinh thành Thăng Long. Sử sách truyền lại rằng năm 1461, thời vua Lê Thánh Tông, Thượng thư bộ Lại Lưu Xuân Tín vốn quê gốc ở làng Châu Khê – Hải Dương là nơi có nghề đúc bạc nổi tiếng đã được triều đình giao nhiệm vụ lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành. Từ đây, những cư dân của làng nghề đúc bạc Châu Khê đã di cư lên phố Hàng Bạc, vốn là con phố đã có nghề kim hoàn và đổi tiền.
Tại đây, nhiều tràng đúc bạc là nơi sản xuất bạc nén đã được lập ra và hai ngôi đình là Trương Đình và đình Kim Ngân là nơi giao nộp thành phẩm cho người đại diện của triều đình. Đến đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn chuyển xưởng đúc bạc vào kinh thành Huế nhưng phần lớn những người thợ Châu Khê vẫn gắn bó với Thăng Long và chuyển từ nghề đúc bạc sang nghề kim hoàn. Những sản phẩm kim hoàn nổi bật nhất phải kể đến đồ trang sức cho phụ nữ như khuyên tai, vòng xuyến, trâm cài tóc, các loại nhẫn và đồ trang trí như mâm vàng, đĩa bạc, bình hoa… Các chi tiết trang trí đa dạng là các hình tượng phổ biến như hình tượng rồng, phượng, các loại cây tùng, trúc, các loại hoa mai, đào, lan, cúc… Từ đó đến nay, nghề chế tác kim hoàn và buôn bán chính các sản phẩm đó trên con phố này vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển.
Khi cần mua những đồ trang sức vàng, bạc theo kiểu truyền thống, người Hà Nội vẫn thường tìm đến phố Hàng Bạc để lựa chọn. Các sản phẩm ở Hàng Bạc được đánh giá đạt chất lượng kỹ thuật và đảm bảo yếu tố mỹ thuật với những đường nét tinh tế. Những nghệ nhân trên phố Hàng Bạc cho biết, dù kỹ thuật chế tác kim hoàn hiện nay được hỗ trợ bởi máy móc rất nhiều nhưng không thể thay thế các kỹ xảo thủ công được tích lũy, truyền dạy qua nhiều đời. Nhiều khách hàng đã không ngại thời gian và tiền bạc để chờ đợi những nghệ nhân cho ra đời các sản phẩm đơn chiếc độc đáo.
Con phố Hàng Bạc vốn đã tấp nập từ xa xưa, nay vẫn sầm uất thu hút du khách. Dọc hai bên con phố dài chưa đầy 500m, các cửa hàng vàng bạc nối tiếp nhau san sát, người bán người mua ra vào tấp nập. Cùng với đó, từng đoàn khách du lịch xếp hàng tham quan những di tích trên con phố này. Tiêu biểu nhất phải kể đến đình Kim Ngân nằm ở số nhà 42 phố Hàng Bạc. Ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm gắn với sự ra đời nghề đúc bạc và thờ ông tổ bách nghệ là Hiên Viên. Là một trong những ngôi đền rộng và cổ kính trong khu phố cổ Hà Nội, đình Kim Ngân còn lưu giữ những họa tiết chạm khắc tinh xảo của thợ mộc, thợ nề và đặc biệt là thợ kim hoàn. Với nhiều thế hệ người dân trên phố Hàng Bạc, đình Kim Ngân là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và trao đổi kinh nghiệm về nghề truyền thống. Còn với khách du lịch, đây còn là một địa chỉ văn hóa đặc sắc với các cuộc trưng bày, triển lãm, các buổi sinh hoạt, giới thiệu văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội 36 phố phường.