Bài: Trần Đức Anh Sơn
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Thái Tuấn Kiệt, Kim Dung

Chuyến du khảo ở làng gốm Thanh Hà của tôi lần này thực ra là sự quay lại một điểm đến nhiều hoài niệm trong kí ức. Lần đầu vào tháng 4.1988, khi đang là sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Huế đi thực tế tại làng mộc Kim Bồng, đối diện với làng Thanh Hà ở bờ bên kia sông Thu Bồn, tôi đã thuê xuồng chở qua Thanh Hà xem bà con làm gốm. Lần thứ hai vào tháng 6.2020, tôi đưa một nhà văn từ Sài Gòn về Thanh Hà tìm bối cảnh để viết kịch bản phim về mối tình của hào thương Nhật Bản Araki Sotaro với công nữ Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào đầu thế kỷ 17. 

Những sản phẩm gốm mộc phục vụ đời sống

Thuở đó, thương nhân ngoại quốc ở Hội An, muốn tiếp kiến các thế tử của chúa Nguyễn đang cai quản ở Dinh trấn Quảng Nam, thì phải đi thuyền ngược dòng Thu Bồn, đến Thanh Hà, rẽ vào con sông nhánh dẫn vào Dinh trấn tọa lạc tại làng Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Thanh Hà ở đầu ngã ba sông, một vị trí đắc địa cho nghề làm gốm và đưa gốm đi bán ở các nơi khác. Bến sông là nơi thuyền bè chở đất sét và củi sài – những vật liệu chủ yếu của nghề làm gốm – đến làng Thanh Hà; cũng là nơi nhận gốm thành phẩm từ đây chuyển đi tứ xứ.

Cuối thế kỷ 15, dân di cư từ Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định đã đến định cư nơi đây, mang theo nghề làm gốm cổ truyền từ quê hương bản quán. Nhờ địa thế thuận lợi, lại sẵn nguồn đất sét tốt và loại củi sài cho nhiệt lượng cao từ những địa phương lân cận, những cư dân đầu tiên ở Thanh Hà đã khai sinh ra nghề làm gốm nơi đây. Theo lời kể của các vị tôn trưởng, nghề gốm Thanh Hà ra đời từ năm 1516, khởi phát từ làng Thanh Chiêm, sau đó thì dời về làng Nam Diêu (nay thuộc khối 5, phường Thanh Hà). Theo chữ Hán, Nam là “phương Nam”, Diêu là “lò nung gốm”. Nam Diêu nghĩa là “lò gốm ở phía Nam”.

Gốm Thanh Hà được tạo hình bằng bàn xoay và đôi tay của người thợ

Khi hưng thịnh, Thanh Hà có hàng trăm lò nung, với cả ngàn nhân công làm việc. Gốm Thanh Hà từng là sản phẩm trứ danh, nổi tiếng khắp xứ Quảng, và là một trong những chất liệu chính kiến tạo nên diện mạo của phố cảng Hội An thời chúa Nguyễn. Gốm Thanh Hà còn được xuất cảng sang các nước trong vùng, được Lê Quý Đôn ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục như là “thổ sản quốc gia” của xứ Đàng Trong.

Phục hưng nghề gốm
Thời thế đổi thay, nhu cầu sử dụng gốm Thanh Hà trong xây dựng và sinh hoạt hàng ngày giảm dần, vì thế, nghề gốm Thanh Hà rơi vào suy thoái. Đã có lúc trong làng không còn lò nào nổi lửa nung gốm, mà chuyển hẳn sang nghề nông. Tuy nhiên, sau khi đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trở thành một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế, thì nghề gốm ở Thanh Hà đã tái sinh và dần dần phục hưng. Chuyến đi của tôi lần này cũng là vì muốn tận mắt nhìn thấy làng nghề này hồi sinh.

Gốm Thanh Hà thuộc dòng gốm mộc không men, sản phẩm được hình thành từ việc kết hợp giữa bàn xoay (dân địa phương gọi là bàn chuốt) với sự khéo léo của đôi tay và trí tưởng tượng của nghệ nhân trong nghệ thuật tạo hình. Gốm Thanh Hà sau khi nung có màu đỏ sậm, mộc mạc nhưng tinh xảo.

Những con tò he được nặn bằng tay trước khi đưa vào lò nung

Gốm Thanh Hà hiện nay giảm dần các loại hình phục vụ xây dựng và sinh hoạt thường ngày, tập trung vào những sản phẩm lưu niệm, trang trí và tác phẩm nghệ thuật. Cả làng gốm hiện có 8 lò nung đang hoạt động, với gần 40 nhân công. Đây cũng là những điểm tham quan và trải nghiệm về nghề gốm cho du khách thập phương.

Khi mua vé tham quan làng Thanh Hà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các nghệ nhân chế tác đồ gốm, tham quan các lò nung cổ và đương đại, được trực tiếp tạo tác các món đồ gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân lành nghề và được thoải mái chọn mua những sản phẩm đồ gốm đa dạng, rất mỹ thuật và đôi khi rất ngộ nghĩnh. Hầu như không có ai rời Thanh Hà mà không mang theo cho mình hay cho bạn bè một món quà lưu niệm xinh xắn mang tên “gốm Thanh Hà”.

Công viên gốm lớn nhất Việt Nam
Điểm nhấn quan trọng nhất trong tour du lịch làng gốm Thanh Hà chính là Công viên đất nung Thanh Hà, một bảo tàng gốm được xây dựng từ năm 2011 và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào năm 2017.

Tác giả của Công viên đất nung Thanh Hà là kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà, con trai của một nghệ nhân làm gốm ở địa phương. Sau khi rời quê hương vào Nam lập nghiệp, thành danh, anh lại quyết định trở về quê hương, đầu tư xây dựng một bảo tàng gốm theo để giới thiệu dòng gốm độc đáo của quê hương theo một phong cách mới.

Những sản phẩm gốm trưng bày trong Công viên đất nung Thanh Hà

Bảo tàng gốm được phân thành 9 khu vực đặc sắc: khu bảo tồn làng nghề; khu giới thiệu gốm Thanh Hà; khu giới thiệu gốm Sa Huỳnh và gốm Champa từng gắn bó với vùng đất Thanh Hà – Hội An; khu giới thiệu các làng nghề gốm khác ở Việt Nam; khu trưng bày gốm mỹ thuật đương đại; khu giới thiệu mô hình các lò gốm cổ với hai kiểu lò: lò úplò mở mà người Thanh Hà xưa từng sử dụng; khu thế giới thu nhỏ; khu chợ gốm dành cho du khách đam mê đồ gốm.

Đến thăm Công viên đất nung Thanh Hà, du khách có cơ hội khám phá những bí quyết về nghề làm gốm nói chung, về nghề gốm Thanh Hà nói riêng; được chiêm ngưỡng những tuyệt tác bằng gốm mô phỏng nhiều kỳ quan trên thế giới cũng như những di sản kiến trúc các thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn trên toàn cõi Việt Nam; và đặc biệt là được trải nghiệm và chứng kiến sự chuyển mình của gốm Thanh Hà từ truyền thống sang hiện đại, để bắt kịp và hòa nhập với thế giới đương đại, không chỉ trong lĩnh vực mỹ thuật, trong giá trị văn hóa mà cả trong thị hiếu tiêu dùng.