Khi dịch Covid-19 bùng phát, dù đang gặp không ít khó khăn, nhóm đối tác tài xế “Ánh sáng từ tâm” của Gojek Việt Nam (trước là GoViet) vẫn đóng góp ngày công để mua tặng miễn phí khẩu trang và nước rửa tay cho người qua đường. Chị Ngọc Thuỷ, một đối tác tài xế cũng thường xuyên bỏ tiền túi đi làm từ thiện ngoài giờ chạy xe, dù hoàn cảnh gia đình cũng đang còn nợ nần và chồng chị đã mất sức lao động. Các giá trị của nền kinh tế chia sẻ đã vượt qua khuôn khổ các thành viên trong hệ sinh thái để lan toả ra các cộng đồng theo những cách rất thiết thực, nhân văn.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Chị Ngọc Thủy là lao động chính trong gia đình khi chồng tuổi đã cao lại mất sức lao động. Chị từng làm giúp việc, lao công ở các tòa nhà, nhân viên ở cây xăng, bảo vệ… với mức lương bấp bênh, thời gian làm việc gò bó, khó xin nghỉ phép để giải quyết việc riêng. Hai năm gắn bó với công việc lái xe công nghệ và giao đồ ăn của Gojek, chị yên tâm với việc biết chắc thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống cho cả nhà. “Phụ nữ chạy xe công nghệ không nhiều, mình đã làm thì không thể làm lơ mơ. Ngày nào chạy là ngày đấy phải cố lấy đủ điểm thưởng của hãng,” chị Thủy tâm sự. “Cuộc sống có nhiều trắc trở, nhưng lên xe là quên hết.”

Anh Đình Nam, nhà nghèo, mồ côi cha, mẹ già cần chăm sóc. Kế hoạch khởi nghiệp đầu tay thất bại, Nam gánh trên vai khoản nợ mấy trăm triệu đồng, vào TP. Hồ Chí Minh lăn lộn đủ nghề, từ công nhân cho đến bảo vệ, phụ xe, phục vụ bàn… Đến khi gắn bó với Gojek, Nam nhanh chóng trở thành một trong những đối tác tài xế siêu hạng, hầu như không nghỉ chạy xe ngày nào, đặt mục tiêu mỗi ngày kiếm đủ 1 triệu VNĐ. Nam thấy may mắn vì được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều từ các đồng nghiệp, khách hàng.

Sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dùng cũng như dịch Covid-19 đã khiến nhiều chủ cửa hàng, quán ăn siêu nhỏ trong các hẻm nhỏ, hè phố, trước nay chỉ bán hàng theo cách truyền thống, bỗng nhiên mất đi nguồn thu. Từ tháng 3/2020 đến nay, Gojek đã hỗ trợ hàng ngàn quán ăn dịch chuyển lên bán online trên GoFood. Nhờ công nghệ, những con người vốn dĩ còn không biết sử dụng điện thoại thông minh nay được tiếp cận với các khách hàng trên nền tảng Gojek, từ đó khôi phục doanh thu, mở rộng thị trường.

Sức mạnh lan toả của giá trị chia sẻ

Những ngày đầu dịch, khi khẩu trang bị đầu cơ tăng giá từng ngày, anh Đình Khánh – tài xế Gojek – cùng 30 thành viên trong nhóm “Ánh sáng từ tâm” vận động đồng nghiệp chạy xe công nghệ góp tiền, phân công xếp hàng từ 4h sáng để mua mỗi người 2 hộp khẩu trang giá bình ổn. Nhóm đã phát miễn phí 3.000 khẩu trang và nhiều lọ nước rửa tay sát khuẩn cho cộng đồng tại ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình- TP. Hồ Chí Minh). Các tài xế cũng tự nấu ăn, trao tặng thực phẩm cho những người lao động nghèo, cụ già neo đơn, tổ chức các chuyến phát quà đến những vùng xa xôi như An Giang, Cà Mau… Hàng tối, Khánh còn là thành viên chủ chốt trong Biệt đội hỗ trợ Nhân Dân Quốc lộ 51 – Đồng Nai, được mệnh danh là “Những hiệp sĩ bóng đêm”. Cứ đúng 21h, các anh lại rong ruổi trên đường, hỗ trợ tức thì những người gặp tai nạn hay hỏng xe.

Theo ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, sự tồn tại và phát triển của hãng phụ thuộc rất nhiều vào những giá trị mà Gojek có thể mang lại được cho hệ sinh thái. Để rồi, đến lượt mình, những đối tác trong hệ sinh thái này sẽ tiếp tục lan toả các giá trị cho cộng đồng và xã hội. “Con người chính là trọng tâm của bất kỳ nền kinh tế chia sẻ nào. Một khi các thành viên trong hệ sinh thái có cảm giác “thuộc về” cộng đồng, xã hội, họ sẽ chính là những người tạo ra, trao đổi và lan toả các giá trị chia sẻ,” ông Đức nói.

Xem thêm các bài cùng chuyên mục: