Minh Tú

Trong khi hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng, vẫn có những cái tên tiếp tục phát triển, tăng trưởng lợi nhuận trong đại dịch Covid-19. Heritage điểm danh một số tên tuổi thành công đó.

Năm 2020 đã chứng kiến nhiều “thảm cảnh” của các doanh nghiệp: Gần 102.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14% so với năm 2019. Còn theo ước tính của FiinGroup, doanh thu năm 2020 của nhóm doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ ngành tài chính) sẽ giảm 8%. Lợi nhuận thậm chí sụt giảm tới 21% so với năm trước đó. Đặc biệt, một số lĩnh vực như hàng không, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 hay ngành dầu khí cũng có một năm khó khăn vì giá dầu xuống thấp.

Tuy nhiên, giữa đại dịch với vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thuộc cả khối phi tài chính và tài chính vẫn tăng trưởng tốt.

Ngân hàng là một trong những ngành có kết quả kinh doanh tốt nhất năm 2020

Ngân hàng
Theo ước tính của FiinGroup, các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2020, dù đại dịch tác động mạnh lên nền kinh tế. Mức tăng trưởng này có được từ sự phát triển của cả 3 mảng thu nhập chính là lãi thuần, dịch vụ và các hoạt động khác.

Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 23.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, và vẫn là tổ chức tín dụng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống. Trong khi đó, Vietinbank năm qua đạt lợi nhuận riêng lẻ trước thuế 16.450 tỷ VNĐ, tăng 43% so với 2019. Một số ngân hàng tư nhân như TPBank, MSB cũng lần lượt báo lãi 4.200 tỷ VNĐ, tăng 22% và 2.500 tỷVNĐ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.

Yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm qua là biên lãi ròng (NIM) ở mức cao. Theo SSI Research, NIM phục hồi mạnh nhờ lãi suất huy động liên tục giảm sau 3 lần điều chỉnh lãi suất của ngân hàng Nhà nước, các gói vay có lãi suất ưu đãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện.

Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng tăng trưởng ổn định, được thúc đẩy bởi hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán. Các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm (bancassurance) đều hồi phục.

Bên cạnh đó, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Do vậy, nhiều chuyên gia lưu ý mức trích lập dự phòng rủi ro chưa thể hiện đầy đủ tác động của đại dịch lên lợi nhuận ngành ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho biết kết quả kinh doanh tốt của ngành ngân hàng năm nay còn đến từ việc nhiều doanh nghiệp vay vốn phục hồi nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và bản thân các nhà băng cũng năng động phát triển nguồn thu ngoài lãi tín dụng.

Mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lên tới vài trăm phần trăm

Ngành thép
Mirae Asset gọi 2020 là năm rực rỡ với nhiều cổ phiếu ngành thép – tôn mạ. Những công ty đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim ghi nhận nhịp tăng giá từ 100 – 200% sau một năm, cao hơn nhiều so với mức tăng của VN-Index. Đây cũng chính là những doanh nghiệp tăng trưởng rõ rệt về kết quả kinh doanh.

Chỉ sau 9 tháng của năm 2020, lợi nhuận của Hòa Phát đã đạt 8.845 tỷ VNĐ, cao hơn kết quả của cả năm 2019. Còn trong niên độ tài chính 2019-2020, Hoa Sen tăng trưởng lợi nhuận tới hơn 200%, đạt 1.153 tỷ VNĐ.

Nhu cầu của ngành thép liên quan trực tiếp đến bất động sản. Thị trường bất động sản trong nước năm 2020 không thật sự sôi động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bốn tháng đầu năm 2020, sản lượng thép xây dựng cũng như thép dẹt trong nước sụt giảm nhưng bắt đầu phục hồi tích cực từ tháng 5.

Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi kinh tế của Chính phủ và nhu cầu lớn của thị trường Trung Quốc là những yếu tố hỗ trợ ngành công nghiệp này. Giá thép xây dựng trong nước đã tăng 25% trong năm 2020 và tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngành này.

Chăn nuôi
Dabaco, doanh nghiệp có quy mô thuộc nhóm đầu ngành chăn nuôi, công bố lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.400 tỷ VNĐ, gấp hơn 4 lần cùng kỳ 2019 và cao hơn cả vốn điều lệ công ty. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn khác như Mitraco, Dolico cũng chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận vài trăm phần trăm.

Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tăng trưởng ấn tượng khi giá thịt lợn hơi tăng cao trong năm 2020 vì nguồn cung thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi xảy ra trước đó. Dịch này làm thiệt hại khoảng 6 triệu đầu lợn. Đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 5% so với đầu năm nhưng mới chỉ bằng 85% quy mô trước dịch tả lơn châu Phi.

Trong bối cảnh đó, từ đầu tháng 4, giá thịt lợn hơi tăng cao và có thời điểm chạm mốc 100.000 VNĐ/kg. Bắt đầu từ giữa năm nay, giá thịt lợn hơi giảm dần và ổn định ở mức 68.000-70.000 VNĐ/kg.

Nếu các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn để tái đàn, các doanh nghiệp quy mô lớn với nguồn con giống có sẵn, quy trình chăn nuôi bài bản lại có nhiều lợi thế. 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên toàn quốc tăng quy mô đàn lợn lên hơn 5,5 triệu con, cao hơn tới 160% so với thời điểm trước dịch tả lợn.

Mã chứng khoán của các công ty phân bón tăng trưởng rất tốt

Phân bón
Nhiều công ty phân bón niêm yết trên sàn như Phân bón Bình Điền, Đạm Cà Mau, PVFCCo tăng trưởng lợi nhuận từ 50% lên tới 310% (số liệu 9 tháng 2020 so với cùng kỳ 2019).

Theo SSI Research, ngành phân bón hưởng lợi năm qua khi trong đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho các hoạt động thương mại quốc tế và các loại phân urê trong nước do đó được ưu tiên thay phân bón nhập khẩu. Công suất sản xuất phân urê của Việt Nam khoảng 2,7 triệu tấn/năm và hoàn toàn có thể phục vụ thị trường trong nước.

Khi hoạt động nhập khẩu urê sụt giảm, các công ty trong nước nhờ đó có thể tăng sản lượng để bù đắp phần thiếu hụt trên thị trường, đồng thời chịu ít sự cạnh tranh hơn. Nhóm phân tích cũng cho biết giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2020 tăng 13% so với 2019, qua đó kích thích diện tích trồng lúa tăng lên. Do đó, nhu cầu phân bón năm vừa qua cũng cao hơn cùng kỳ.

Năm qua, giá dầu thế giới giảm tới 33% trong khi giá urê trong nước chỉ giảm 15%. Chính nhờ giá dầu thấp, nhu cầu tăng và mức cạnh tranh trong ngành giảm nên tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón cải thiện đáng kể.