Đăng Anh

Trong kịch bản lạc quan nhất, hầu hết các tổ chức kinh tế đánh giá kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể tăng trưởng cao hơn mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Vì Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thấp nhất một thập kỷ, chỉ đạt 2,9%, nhưng nhờ chống dịch hiệu quả, nền kinh tế 100 triệu dân này đã đạt được mục tiêu kép: vừa khống chế Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Đà phục hồi này đang được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước nhìn nhận là tiền đề tích cực cho năm 2021. 

Ngân hàng Standard Chartered theo đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt 7,8% so với năm 2020. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác ở châu Á.

Xuất khẩu ở Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc trong tháng đầu năm 2021

“Kể từ quý 3, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và, theo nhận định của chúng tôi, quá trình hồi phục đang diễn ra ổn định. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn”, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của ngân hàng Standard Chartered Tim Leelahaphan nhận định.

Ngân hàng HSBC cũng đưa ra kịch bản tương tự, dự báo GDP Việt Nam tăng 7,6% trong 2021 với lạm phát ở mức vừa phải là khoảng 3,3%, thấp hơn mức trần ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu là 4%.

Ở trong nước, kịch bản khả quan của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (NCIF) cũng cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 6,72% trong 2021, CPI tăng khoảng 4,2%. Còn viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại thận trọng hơn khi đưa ra mức tăng trưởng 6,46%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ hướng tới là 6.5%.

Theo các nhà phân tích, các dự báo lạc quan này dựa vào việc Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài thông qua việc kiểm soát tốt dịch bệnh và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn diễn tiến phức tạp.

Nhiều chuyên gia dự báo, chính quyền mới của Mỹ vẫn giữ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. “Đó là điều rõ ràng vì lưỡng đảng ở Mỹ có sự đồng lòng mạnh mẽ rằng đã đến lúc Mỹ đứng lên chống Trung Quốc”, nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani nói với CNBC.

Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây cho biết, chính quyền Joe Biden không vội rút lại các biện pháp thuế quan với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm hướng tiếp cận mới để buộc đất nước tỷ dân điều chỉnh những tập quán thương mại bị xem là gây hại cho Mỹ. Khác với người tiền nhiệm, tân tổng thống Mỹ muốn bắt tay với các đồng minh truyền thống nhằm đối phó Bắc Kinh. 

“Việt Nam tiếp tục là quốc gia hưởng lợi từ tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ – dự kiến sẽ còn tiếp diễn dưới thời chính phủ mới. Theo đó, dù nhu cầu trên thế giới phục hồi chậm chạp và tâm lý đầu tư ảm đạm có thể sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, thu hút vốn FDI của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới”, chuyên gia Standard Chartered nhận xét.

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết trước đó cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một hướng đi quan trọng kích thích kinh tế phục hồi

HSBC nhận định, các hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hip đnh Đi tác Kinh tế toàn din khu vc (RCEP) và Hip đnh thương mi t do Vit Nam – Anh (UKVFTA) sẽ tạo ra mức thuế thấp, khả năng tiếp cận thị trường lớn cho hàng hoá Việt Nam. Bên cạnh việc giúp Việt Nam đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, các hiệp định này cũng giúp dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế. Số liệu bộ Công thương cho biết, 5 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt khoảng 15,4 tỷ USD, dù đối mặt với Covid-19.

Trong báo cáo của mình, nhóm nghiên cứu của NCIF cũng cho rằng động lực tăng trưởng trong năm 2021 khởi nguồn từ việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế; sự phục hồi của các thị trường đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu; đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy.

Thận trọng hơn, CIEM lưu ý rằng kinh tế Việt Nam năm nay có thể chịu tác động từ sự bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài như căng thẳng Mỹ – Trung tiếp diễn; tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp khiến gia tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng đến xuất và nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi các nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, khiến vay nợ trở nên rẻ hơn, trong khi thiếu sự điều phối các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2020, các chính phủ tung ra ít nhất 12.000 tỷ USD qua các gói kích thích kinh tế. Các ngân hàng Trung ương cũng cung cấp thêm hàng nghìn tỷ USD. Tính đến ngày 31/12/2020, khoảng 17.800 tỷ USD đã được cho vay với lãi suất âm.

Bloomberg gần đây cảnh báo, dấu hiệu bong bóng tài sản đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. “Các ngân hàng Trung ương, đặc biệt là Fed, đã tạo ra bong bóng”, Alicia García-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Natixis tại Hongkong bình luận trên Bloomberg.

Ngoài ra, cũng theo CIEM, dù kỳ vọng vào tác động tích cực của các FTA, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống trốn thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.