Hương Quỳnh

Công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam đã được đón nhận rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân tộc. Ở lĩnh vực âm nhạc, các nghệ sỹ trẻ đã bằng nhiều cách đưa những tinh hoa của âm nhạc truyền thống hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại. Hãy cùng Tạp chí Heritage trò chuyện với nghệ sỹ thế hệ 9X Phan Thủy – người đã 20 năm gắn bó với đàn tỳ bà để biết thêm về nỗ lực của những người trẻ tuổi trong việc phát huy vốn văn hóa quý báu dân tộc.

Cây đàn tỳ bà đã cùng nghệ sỹ trẻ Phan Thủy trải qua bao cung bậc cảm xúc

Chào Phan Thủy, em nhận xét như thế nào về việc đưa âm nhạc dân tộc vào các tác phẩm đương đại?

Đây là xu hướng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Em cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, các dòng nhạc thịnh hành, các bản nhạc hit đều có màu sắc dân gian ẩn hiện trong giai điệu, ca từ hay cách hòa âm, phối khí. Việc đưa âm nhạc truyền thống hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại không dễ dàng, có thể có tác phẩm được công chúng hưởng ứng nhưng cũng có những thử nghiệm thất bại. Quan trọng là điều đó cho thấy có sự dịch chuyển trong âm nhạc, bắt nhịp với hơi thở thời đại. Qua đó, khán giả cũng như nghệ sỹ có thể sàng lọc và lựa chọn thể loại âm nhạc phù hợp với nhu cầu thưởng thức hay hoạt động nghệ thuật. Đây cũng là một cách tiếp cận để gần hơn với khán thính giả ở nhiều lứa tuổi, lan toả thanh âm truyền thống dưới nhiều loại hình âm nhạc.

Về cá nhân, em đã chơi một số tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ như Phan Mạnh Quỳnh, Hoàng Dũng… bằng đàn tỳ bà; làm mới những bài ca đi cùng năm tháng như ‘Mẹ yêu con’ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý qua việc xử lý lại phần hoà âm…; chơi đàn tỳ bà trên dòng nhạc world music kết hợp cùng nhạc sỹ Mạnh Tiến, Lưu Hà An… phối nhạc điện tử cùng DJ SlimV. Em cũng mạnh dạn thử nghiệm Việt hóa một số tác phẩm âm nhạc Broadway như “Think of me”; “Phantom of the Opera”… để chơi cho đàn tỳ bà. Tất cả những tác phẩm âm nhạc này đều mang lại hiệu quả về mặt âm thanh, âm sắc và được khán giả, nhất là các bạn trẻ đón nhận.

Thách thức của âm nhạc hiện đại khi khai thác vốn cổ theo em là gì?

Sự sáng tạo trong nghệ thuật là vô biên, vì thế vốn cổ còn được coi là kho báu chất liệu sáng tác. Thách thức nhất khi khai thác kho báu này cho âm nhạc hiện đại theo em là cần có sự chọn lọc và tinh tế. Nghệ sỹ phải khéo léo để tôn lên vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống chứ không nên lạm dụng, gượng ép. 

Phan Thủy đã gắn bó với âm nhạc dân tộc 20 năm

Cần phải làm gì để các bạn trẻ thêm gần gũi với âm nhạc truyền thống?

Trong thời đại số hiện nay, các trang mạng xã hội đang chiếm ưu thế, những nghệ sĩ có thể tận dụng và tạo dựng cho mình những kênh, page để tiếp cận đối tượng này dễ hơn. Về mặt nội dung âm nhạc, cần có sự tươi mới trong loại hình, tiết tấu. Có thể giới thiệu những bài nhạc quen thuộc, đang nổi hoặc làm mới, kết hợp với nhiều thể loại âm nhạc khác để thính giả quen với âm thanh, hình ảnh của các nhạc cụ truyền thống, sau đó lồng ghép thêm các giai điệu cổ truyền. Thêm nữa, cần có những buổi giao lưu giữa các nghệ sỹ chơi nhạc dân tộc với khán giả trẻ hay các đêm nhạc truyền thống hướng tới đối tượng trẻ, khiến nó trở thành món ăn tinh thần xuất hiện nhiều hơn trong menu thưởng thức, giải trí của các bạn trẻ. Cũng thật đáng mừng khi ngày càng có thêm nhiều gương mặt 9X, 10X trong các câu lạc bộ ca trù hay các đêm diễn của nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” tại Hà Nội đã được khán giả trẻ đón nhận.

Vừa hoạt động nghệ thuật vừa giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, em đã truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc cho những bạn trẻ như thế nào?

Học sinh của em hiện nay rất đa dạng về lứa tuổi, đa phần là các bạn đang học phổ thông trung học. Ngoài ra, cũng có các bạn nhỏ đang ở cấp tiểu học. Em nghĩ sự tâm huyết, tập trung của mình qua những tiếng đàn nắn nót, chỉ dẫn chuyên môn, truyền lại kinh nghiệm hay việc giới thiệu những thử nghiệm âm nhạc của em đã giúp học sinh cảm nhận một cách tự nhiên nhất về tình yêu đối với những giai điệu, nhạc cụ dân tộc. Bản thân em cũng đã từng được tiếp nhận nguồn cảm hứng ấy và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật qua những người thầy của mình để rồi buồn, vui với tiếng đàn, coi cây đàn là người bạn thân thiết. Nghề giáo vốn dĩ đã là một nghề ý nghĩa, và còn đáng quý hơn khi các thế hệ giáo viên giảng dạy âm nhạc truyền thống là những người giữ vốn văn hóa và lan tỏa tình yêu với âm nhạc dân tộc cho các thế hệ sau.

– Ngoài đàn tỳ bà, Phan Thủy còn chơi được các nhạc cụ như sáo trúc, đàn tam thập lục, đàn t’rưng, đàn K’rong put, đàn bầu, đàn đá, trống dân tộc…
– Một số giải thưởng: giải Ba cuộc thi Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020; Huy chương vàng hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch toàn quốc năm 2012 (giải tập thể); Huy chương bạc cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2009; Huy chương vàng cuộc thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2007…
– Đạo diễn âm nhạc cho một số vở nhạc kịch như ‘Góc phố danh vọng’, ‘Đêm hè sau cuối’, ‘Mộng ước không xa vời’…