Tạp chí Heritage tổng hợp

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là cái tên tiêu biểu trong nền nghệ thuật hội họa Việt Nam thời kỳ hậu đổi mới. Với hơn 40 năm cầm cọ và trên 5.000 tác phẩm bán ra, ông là họa sĩ hiếm hoi có tranh bán cực chạy. Không chỉ tổ chức nhiều cuộc triển lãm trong nước, tranh của ông còn xuất hiện tại Pháp, Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan…

Cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình với nghệ thuật đất Việt qua bài viết sau đây.

tranh-cua-hoa-si-nguyen-thanh-binh-duoc-gioi-yeu-nghe-thuat-hoi-hoa-viet-nam-tan-thuong-heritage

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình được giới yêu nghệ thuật hội họa Việt Nam tán thưởng
(Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng)

1. Tiểu sử cuộc đời của họa sĩ nằm trong top bán tranh nhiều nhất Việt Nam

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1954 tại vùng núi rừng Việt Bắc. Lúc nhỏ, ông sống tại Tiệp Khắc và Hungary – nơi cha ông làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam. Cuối năm 1961, ông về Việt Nam cùng mẹ trên chuyến tàu liên vận quốc tế. Năm 19 tuổi, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và làm đơn tình nguyện xin vào Nam chiến đấu.

Từ một chàng công tử, người họa sĩ đóng góp nhiều cho nghệ thuật hội họa Việt Nam chính thức trở thành người lính, gánh trên vai sứ mệnh đất nước. Ông rời cuộc chiến với một mảnh đạn nhỏ găm vào lưng và hai người đồng đội thân thiết mãi mãi nằm lại chiến trường. Tất cả những điều đó trở thành nỗi ám ảnh trong ông. Tranh của ông cũng vì thế mà sợ hãi và né tránh những gì quá bạo liệt.

chan-dung-hoa-si-nguyen-thanh-binh-heritage

Chân dung họa sĩ Nguyễn Thanh Bình
(Nguồn: An ninh thủ đô)

Với họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, cuộc đời ông là hành trình độc đáo cùng vô số những điều bất ngờ. Bước ngoặt đầu tiên là ngày cậu bé Bình từ châu Âu trở về quê hương Việt Nam. Tiếp theo đó, cậu nhóc lại phải rời bỏ khu nhà đẹp nhất nhì Hà Nội để về sống tại vùng nông thôn. Và cuối cùng, cũng chính là cột mốc đáng nhớ nhất, ngày người họa sĩ bước ra nguyên vẹn sau cuộc chiến thảm khốc.

2. Cơ duyên đến với trường Đại học Mỹ thuật

Trường Đại học Mỹ thuật là nơi ươm mầm nhiều tài năng nghệ thuật hội họa Việt Nam. Đây cũng là ngôi trường mà họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đã gắn bó trong thời gian rất dài. Ông vào trường từ năm 11 tuổi với suy nghĩ đơn giản là thích vẽ bậy bạ, linh tinh và học dốt. Sau khi ra quân, ông trở về trường cũ để tiếp tục việc học.

Hơn 15 năm sau ngày ra trường là quãng thời gian đầy khó khăn với người nghệ sĩ. Ông thất nghiệp, ngồi nhà và “bươn chải” trong nghèo khổ. Những bức tranh đầu tiên được bán ra cũng ra đời trong hoàn cảnh đó. Chúng được vẽ với nhiều kích thước, khuynh hướng, trường phái và các loại hình nghệ thuật hội họa khác nhau.

Bức tranh đầu tiên bán được là một bức tĩnh vật khổ lớn (120 x 140). Tranh vẽ theo phong cách siêu thực, họa hình mâm ngũ quả trên nền khung cửa sổ đêm rằm. Người mua là bà Pennis – vợ của chủ ngân hàng Indosuez. Bà cũng chính là người đã khuyên họa sĩ Nguyễn Thanh Bình học thêm tiếng Anh để tìm cơ hội phát triển.

ve-dep-can-man-cua-nguoi-phu-nu-duoc-ong-khac-hoa-ro-net-duoi-net-co-son-dau-heritage

Sau này, vẻ đẹp cần mẫn của người phụ nữ được ông khắc họa rõ nét dưới nét cọ sơn dầu
(Nguồn: VN Express)

3. Vẻ đẹp người phụ nữ và sự trong sáng của trẻ em là nguồn cảm hứng bất tận

Là con người đơn giản, tình cảm, Nguyễn Thanh Bình chọn vẻ đẹp người phụ nữ và sự đáng yêu, trong sáng của trẻ nhỏ làm nguồn cảm hứng sáng tác. Đây cũng dòng tranh giúp ông khẳng định tên tuổi với giới yêu nghệ thuật hội họa Việt Nam và thế giới. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân cho rằng hình tượng hội họa trong tranh của ông mang hơi thở phương Đông, không ngả về thế giới khách quan mà là hướng nội.

Với họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, hình ảnh người phụ nữ phải được khắc họa bằng những sắc độ màu sắc đầy biểu cảm như lam – trắng, vàng – trắng, nâu nhạt – trắng… Những gam màu này được xử lý tinh tế, khéo léo tạo ra dáng vóc trong sáng mà quyến rũ. Hình thể người mẫu và không gian như hòa làm một, vừa huyền ảo lại vừa thân quen, hiện hữu. Đi cùng với đó là những tà áo dài, nón lá trắng phau hay búp sen hồng tím, thể hiện ước muốn đơn giản về một cuộc sống hòa bình, sinh sôi.

phu-nu-va-tre-em-la-niem-cam-hung-bat-tan-trong-tranh-cua-nguyen-thanh-binh-heritage

Phụ nữ và trẻ em là niềm cảm hứng bất tận trong tranh của Nguyễn Thanh Bình
(Nguồn: VN ECDN)

Đối với trẻ nhỏ, ông dành cho chúng một tình yêu vô hạn, chúng bao giờ cũng đẹp, cũng dễ thương bất kể hoàn cảnh sống. Do đó, chất nghệ thuật Việt Nam của Nguyễn Thanh Bình luôn mang thông điệp về lòng nhân ái, tình thương và sự bao bọc. 

Hình ảnh đứa con gái nhỏ đi học balê đã xây lên trong ông hình tượng trẻ thơ trong sáng, duyên dáng và thanh thoát. Ở một góc khác, những đứa trẻ lại hiện lên đầy ngộ nghĩnh qua trò chơi trốn tìm hay những ngày đông lạnh giá ngồi co ro bên đống lửa đồng quê.

net-dep-trong-treo-cua-nhung-be-gai-hoc-ba-le-duoc-nguoi-nghe-si-khac-hoa-heritage

Nét đẹp trong trẻo của những bé gái học ba lê được người nghệ sĩ khắc họa
(Nguồn: Designs)

4. Chiêm ngưỡng thêm một góc phong cảnh ít người biết của ông

Nghệ thuật hội họa Việt Nam còn ghi nhận tài năng của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình trên bình diện tranh phong cảnh. Ông quan niệm tranh phong cảnh vừa giống ký sự vừa giống tản văn, phải tái hiện đối tượng thực trước mắt bằng tình cảm. 

Tranh ông đạt được sự “nguyên chất”, vẽ không phải để bán nên không bị chi phối bởi ý thích của người khác. Những bức tranh đề tài phong cảnh đầu tiên của Nguyễn Thanh Bình ra đời từ năm 2014. 

Điểm đặc biệt nhất là ông chỉ sáng tác dựa trên ký ức và cảm xúc cá nhân, không phải trực họa ngoài trời. Hình tượng thường thấy nhất trong tranh ông là con đò nhỏ, khi neo bờ, lúc lại lững lờ trôi. Đây đều là những khuôn hình rất Việt Nam, không chỉ mang đậm dấu ấn quê hương chúng còn gợi lên nhiều suy tưởng, tâm tư về kiếp người.

tranh-phong-canh-voi-nhung-hinh-tuong-dam-chat-viet-nam-heritage

Tranh phong cảnh với những hình tượng đậm chất Việt Nam
(Nguồn: Báo Thanh Niên)

Với nhiều đóng góp cho nghệ thuật hội họa Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình xứng đáng là cái tên tiêu biểu cho mỹ thuật nước nhà. Tạp chí Heritage mong rằng những thông trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của người họa sĩ tài hoa này.

Bài viết liên quan: