Trúc Lâm
Nằm kề sát dòng sông Cầu, cách Hà Nội 60km, làng nghề gốm cổ truyền mang dáng vẻ bình yên và quyến rũ
Nhắc tới Phù Lãng, những người yêu gốm cổ truyền luôn dành cho ngôi làng cổ này một tình cảm sâu lắng. Nằm kề sát dòng sông Cầu, tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh cách Hà Nội 60km, làng nghề gốm cổ truyền mang dáng vẻ bình yên và quyến rũ. Dọc theo đường đê là những khối củi xếp cao mà dân làng vẫn gọi là “cây củi”, rải rác trong sân các gia đình là những món đồ thạp, hũ, bình… có màu men da lươn hoặc nâu đỏ. Do đặc thù của chất liệu đất sét khai thác từ Bắc Giang mà gốm Phù Lãng chứa đựng sắc ấm rất đặc trưng, điều này gợi trong tâm trí về hình ảnh của một đất nước Việt Nam hàng trăm, hàng nghìn năm trước vẫn quen thuộc với chum sành, chõng tre dưới mái nhà tranh. Lịch sử của Phù Lãng gắn liền với Bát Tràng và Thổ Hà, hai làng gốm khác tuy có chung nguồn gốc nhưng theo thời gian đã tách thành các dòng sản phẩm khác nhau. Thần phả của làng còn ghi lại, tổ nghề là ông Lưu Phong Tú vào thời Trần đã cùng 2 người đi sứ phương Bắc, ở đó ông học được nghề làm gốm và khi về nước đã dạy lại cho dân trong vùng. Còn hai vị kia đã kiến tạo nên làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) và Bát Tràng (Hà Nội) với phong cách khác biệt. Cho tới nay duy chỉ Thổ Hà đang có xu hướng chuyển sang ngành nghề khác, còn Phù Lãng và Bát Tràng vẫn phát triển và chinh phục trái tim người yêu gốm bằng vẻ đẹp riêng của mình.
Sau hàng trăm năm lưu giữ nghề, cho tới nay người làng Phù Lãng vẫn trung thành với dáng đồ thô mộc, phủ men da lươn hoặc nâu đỏ rất phù hợp với những không gian nội và ngoại thất mang hơi hướng thiên nhiên. Đi trên các con đường làng, du khách như lạc về một nước Việt của hàng trăm năm trước bởi đâu cũng là cảnh làm đất, đốt củi, dỡ lò… đầy tất bật sau rặng tre xanh. Gốm Phù Lãng chủ yếu được sản xuất bằng bàn xoay, một vài gia đình dùng kỹ thuật khuôn, song nét độc đáo nhất phải kể tới các họa tiết rất dân gian mà người Phù Lãng thể hiện trên hồn đất quê nhà.
Chính bởi những nét mộc mạc, dân dã trong kiểu dáng và kỹ thuật chế tác truyền thống của những sản phẩm gốm nơi đây mà dòng gốm này tương đối kén người dùng và trở nên khó cạnh tranh trên thị trường. Trước nhu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường, chàng trai Vũ Hữu Nhung sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã trở về làng và quyết thổi thêm sinh khí mới cho dòng gốm của quê hương. Bằng bàn tay tài hoa, anh đưa vào gốm các đường nét mang tính hiện đại hơn, đắp thêm cho thân gốm các miệng rót, tay cầm, tỉa hoa văn kỷ hà, đắp nổi tranh trên thân gốm… Từ đó, dòng sản phẩm tưởng như quê mùa, mộc mạc bỗng thoát thai khỏi thân phận hũ muối dưa cà, bình đựng tương mắm và mang một vẻ đẹp độc đáo. Gốm của làng đã mang tầm vóc nghệ thuật và xuất hiện tại nhiều cuộc triển lãm trên thế giới. Trung thành với những lò bầu truyền thống và đốt bằng củi, phôi đất sau khi được nung chín ở nhiệt độ 900 độ C đã chuyển hóa thành sành, đặc biệt phù hợp cho các mảng sân vườn nơi phố thị. Cộng thêm trào lưu các họa sĩ và khách du lịch tìm về, ngôi làng rợp bóng tre giờ đây mang hơi hướng của một trung tâm nghệ thuật đương đại nhưng vẫn giữ trọn hồn quê. Người Phù Lãng rất cởi mở với những ai muốn tới để học vuốt, học tỉa hình, vẽ hoa văn lên gốm. Chính điều này đã thu hút biết bao trái tim yêu nghệ thuật tìm tới, miệt mài ngồi trong sân để thổi thêm tư duy mới lạ vào cốt cánh cổ xưa.
Phù Lãng gần đây càng hấp dẫn du khách hơn với một dòng sản phẩm rất thú vị khác mang thương hiệu Phù Lãng đang tạo ra sức hấp dẫn mới, đó là dòng tượng mang âm hưởng tâm linh. Được hình thành bởi đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn, những pho tượng Phật, chú tiểu, người có đôi cánh chim… sau khi ra lò đã trở thành các tác phẩm có vị trí xứng đáng trên bản đồ nghệ thuật Việt Nam. Độc đáo nhất là những tác phẩm Cây đời mà anh đưa đi triển lãm vòng quanh thế giới vào năm 2015 và 2016, chúng là minh chứng tiêu biểu để khẳng định tầm vóc của ngôi làng bên dòng sông Cầu với đời sống văn hóa của đất nước.
Hơn thế nữa, Phù Lãng còn là một phim trường tuyệt đẹp cho các video ca nhạc, là bối cảnh để giới trẻ chụp cho nhau các bộ ảnh để đời. Những con đường quanh co bao bọc bằng gỗ củi, triền đê quanh năm xanh mướt cỏ, những khu xưởng ngổn ngang các tác phẩm đã và đang thành hình… tất cả những điều đó thu hút du khách tìm về trong hành trình khám phá miền quê quan họ. Một ngày đi nghe những giai điệu mượt mà của các liền anh liền chị, nếm các món bánh tẻ, bánh phu thê đặc sắc, rồi về với làng gốm cổ để mang về cho mình một vài món đồ có hình dáng độc đáo, hành trình này chắc hẳn sẽ đưa tới cảm xúc khó quên cho mỗi con người.
Xem thêm: