Bài và ảnh: TS.Trần Đức Anh Sơn
Từ hơn 400 năm trước, Cù lao Ré đã được những cư dân Việt ở vùng cửa biển Sa Kỳ vượt biển ra khai phá, định cư và lập nghiệp. Hòn đảo ấy được hình thành do núi lửa phun trào cách đây khoảng 25 – 30 triệu năm, với vết tích còn lưu dấu là năm ngọn núi: Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Hòn Tai và hai lòng chảo khổng lồ trên đỉnh Thới Lới và Giếng Tiền, nơi phát sinh mạch nước ngầm nuôi sống người dân trên đảo. Núi lửa đã tạo cho nơi này những hang động kỳ bí chứa nhiều huyền thoại và sử tích, đã phủ lên bề mặt hòn đảo một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đã tạo nên những rặng đá ngầm dưới mặt biển là nơi sinh sống của nhiều loài thủy tộc đặc thù… Thiên nhiên ấy không chỉ tạo cho Lý Sơn những cảnh quan kỳ thú làm đắm say lòng người, mà còn tạo nên nguồn sống nuôi dưỡng bao thế hệ người Việt trên đảo, hình thành một nền văn hóa biển đảo đặc sắc, với những di sản gắn liền với quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Những vỉa tầng di sản
Từ trước khi các cư dân Việt từ đất liền vượt biển đến Cù lao Ré để “mở mang bờ cõi”, nơi đây từng là địa bàn cư trú của các chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa – những lớp cư dân “tiền trú trước Việt”. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong lòng núi lửa Giếng Tiền (xã An Vĩnh) những công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt của người tiền sử thuộc thời kỳ đồ đá cũ, cách ngày nay khoảng 30 vạn năm. Tại hai di chỉ Xóm Ốc (xã An Vĩnh) và Suối Chình (xã An Hải), những mộ chum, mộ đất cùng đồ tùy táng như bát mâm bồng, rìu đồng… thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cách đây từ 2.500 năm đến 2.000 năm được phát lộ. Cù lao Ré còn là địa bàn cư trú của cư dân Champa, vết tích còn lưu trong miếu Con Bò thờ bò thần Nandin, trong chùa Hang với những bệ thờ bằng sa thạch để người Chăm dâng cúng lễ vật cho các vị thần Bà La Môn…
Người Việt đặt chân lên Cù lao Ré đã tiếp tục bồi đắp cho hòn đảo này những vỉa tầng văn hóa Việt, với hơn 30 di tích lịch sử và một nền văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn của biển: đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải là nơi thờ tự 15 vị tiền hiền đã có công khai phá Lý Sơn; Âm linh tự là nơi ghi công những hùng binh Hoàng Sa người Lý Sơn đã bỏ mình nơi biển khơi trong hành trình 400 năm khai phá và làm chủ các vùng biển đảo Hoàng Sa – Bắc Hải – Trường Sa; những lăng mộ cá Ông ở dinh Trung Yên, dinh Tam Tòa, lăng Đông Hải, lăng Tân, cồn Tự… còn lưu giữ và thờ tự những bộ xương cá voi khổng lồ, là những phúc thần của biển khơi từng phò trợ cho ngư dân Lý Sơn trong hàng trăm năm qua; giếng nước ngọt Xó La, mà dân đảo thành kính gọi là giếng Vua, với huyền thoại về những ngày bôn tẩu của Nguyễn Ánh trước khi trở thành vua Gia Long – người khai sinh ra vương triều Nguyễn (1802 – 1945), cũng là người đã tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ nước ta vào năm 1816, chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Dấu mốc chủ quyền
Cù lao Ré được lưu truyền trong sử sách là quê hương của Đội Hoàng Sa. Dưới thời chúa Nguyễn trị vì đất Đàng Trong (1558 – 1775), các chúa Nguyễn đã sai chọn những binh phu ở An Vĩnh và An Hải ở Bình Sơn, lập thành Đội Hoàng Sa do nhà nước quản lý, cứ đến tháng 3 hàng năm thì dong thuyền ra Hoàng Sa để khai thác yến sào và hải vật; thu nhặt của cải, vũ khí trên những con tàu đắm bị bão dạt vào các đảo, bãi ngầm ở Hoàng Sa… mang về Phú Xuân nộp cho triều đình nhà chúa. Khi những lớp cư dân người Việt tiến ra định cư ở Lý Sơn thì họ lại tiếp tục đảm nhận vai trò là những “hùng binh Hoàng Sa – Bắc Hải” mà cha ông họ ở trong đất liên đã gánh vác, phối hợp cùng thủy binh triều Nguyễn đi ra biển đo đạc hải trình, kiểm đếm các đảo, cắm mốc chủ quyền, vẽ bản đồ vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Nhiều người con của Lý Sơn đã mãi mãi nằm lại nơi biển khơi, chỉ còn lưu danh trong sử sách và được thờ phụng trong các nhà thờ tộc ở trên đảo. Trong đó, có những vị cai đội, chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa danh tiếng như: Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh (triều Gia Long), Võ Văn Sanh, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Thanh, Phạm Hữu Nhật (triều Minh Mạng)…, mà tên của họ đã được đặt cho những hòn đảo ở ngoài khơi xa như đảo Quang Ảnh (Money Island), đảo Quang Hòa (Duncan Island), đảo Hữu Nhật (Robert Island)…
Để tưởng nhớ những con dân của Lý Sơn đã bỏ mình nơi biển cả vì công cuộc mưu sinh và vì nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước, người dân trên đảo đã lập nên những “ngôi mộ chiêu hồn”, là nơi mai táng những hình nhân làm bằng đất sét, hom dâu, chỉ ngũ sắc…, thay thế cho xương cốt của họ đã trầm nơi lòng biển cả mênh mông. Lý Sơn cũng là quê hương của lễ Khao lề thế lính, một lễ hội độc đáo tái hiện những nghi thức tiễn đưa những hùng binh của đảo đi ra khai phá Hoàng Sa. Lễ hội ấy đã được cư dân Lý Sơn duy trì tổ chức trong hàng thế kỷ qua, nay đã trở thành một lễ hội quốc gia mà bất kỳ ai đến Lý Sơn cũng mong được tham dự và chứng kiến một lần.
Những di sản văn hóa, những sử tích hào hùng và những huyền thoại bi tráng còn lưu dấu ở Cù lao Ré – Lý Sơn hôm nay, cùng với cảnh quan trác tuyệt đã tạo sức quyến rũ cho Lý Sơn, biến hòn đảo này thành một điểm đến hấp dẫn trong những năm gần đây. Giờ đây, Lý Sơn không chỉ là một điểm du lịch biển đảo, mà còn là một “miền tâm tưởng”, nhất là đối với những ai thích lần giở những trang sử Việt và khám phá văn hóa biển miền Trung.