Bài: Huỳnh Phương
Ảnh: Thu Phan, Dương Vĩnh Tuyên

Nói đến miền đất Phật Trà Vinh là gợi lên hình ảnh những ngôi chùa Khmer cổ kính, các nhà sư mặc áo cà sa đi khất thực và các lễ hội đậm đà, giàu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ theo hệ phái Nam Tông khá dày đặc, nhất là ở tỉnh Trà Vinh với hơn 140 ngôi chùa Khmer. Mỗi ngôi chùa có quy mô khác nhau nhưng đều tựu chung là một công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng biệt.

Hoa phượng nở rộ khi hè sang ở chùa Hang

 Chùa Hang “không có hang”

Chùa Hang được xây dựng từ năm 1637, nay thuộc khóm 4, thị trấn Châu Thành, cách thành phố Trà Vinh khoảng 8 km. Du khách sẽ không thấy hang nào ở chùa Hang, sở dĩ có tên gọi như thế là do lối vào cổng phụ tam quan có hình dạng hang vòm. Hai bên cổng chính vào chùa là hai tượng Chằn (Yeak), chánh điện nằm giữa khu vườn xanh mát với các hàng cột tròn có tượng chim thần Kayno nâng mái. Chùa Hang trồng nhiều cây sao, cây dầu cổ thụ cao chót vót, cây phượng, cây me che mát trong khuôn viên và có nhiều đàn chim cò sinh sống. Tiếng chim líu lo hòa quyện vào không gian tĩnh mịch làm tâm hồn du khách vãn cảnh trở nên an yên. Ngoài ra, bên hông chánh điện có gian nhà rộng, nơi các nhà sư, nghệ nhân người Khmer hơn 30 năm nay vẫn miệt mài chế tác gỗ, tạo thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, có hồn, từ hình tượng chim muông đến Phật giáo, người nông dân hay con trâu.

Chùa Pisésaram được trang hoàng trước ngày tổ chức lễ dâng y

Chùa Pisésaram lộng lẫy như hoàng cung

Chùa Pisésaram tại xã Bình Phú, huyện Càng Long, cách thành phố Trà Vinh khoảng 25km. Kiến trúc ngôi chùa là sự hài hoà và liên kết chặt chẽ của cổng chính, chánh điện, tăng xá, nhà hội đến tháp cốt, sự liên kết chặt chẽ, hài hòa về bố cục, kiến trúc. Ngôi chùa đã hơn 500 năm tuổi, góp mặt vào danh sách những ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất Trà Vinh. Sau quá trình trùng tu, chùa Pisésaram nhìn từ trên cao tuyệt đẹp, lộng lẫy và đủ choáng ngợp khiến du khách cứ ngỡ như lạc vào hoàng cung. Trong chùa, chánh điện khoác lên mình các màu sơn mới vừa mang kiến trúc Khmer pha lẫn nét hiện đại. Chùa Pisésaram còn là kho tàng các tác phẩm điêu khắc như tượng Chằn, nữ thần Kayno hay tượng chim thần Krud… Đặc biệt, bên phải khuôn viên chùa có hồ nước, trên sàn bê tông hình chữ nhật bố trí hai tượng rắn thần Naga xòe năm đầu, thân dài nằm hai bên, gợi nhớ đến điển tích rắn xòe đầu bảo bệ cho Đức Phật khi người tọa thiền.

Toàn cảnh chùa Vàm Ray

Chùa mạ lớp sơn vàng óng lớn nhất Trà Vinh

Chùa Vàm Ray tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km, gây choáng ngợp bởi dáng vẻ bề thế và lộng lẫy. Chùa này khánh thành tháng 5 năm 2010, trên nền ngôi chùa cũ hơn 600 năm tuổi, một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp nhất Việt Nam hiện nay, mang nét phong cách kiến trúc Angkor, Campuchia. Cổng chùa hoành tráng sơn màu mạ vàng, còn chánh điện như một cung điện vàng son lấp lánh, xung quanh là những tượng chằn Yeak và trong sân có cột hình trụ với hình tượng thần rắn Naga năm đầu. Kiến trúc chùa Vàm Rây còn ấn tượng với tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn có chiều dài 54m, được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà hai tầng, toàn bộ tượng và bệ cũng được mạ lớp sơn vàng óng.

Hóa trang thần khỉ Hanuma và công chúa Sita trong điệu múa trống Chhay-dăm

Sắc màu lễ dâng y cà sa

Đến Trà Vinh, ngoài tham quan các ngôi chùa, du khách còn được hòa mình vào không gian những lễ hội, văn hóa tâm linh đặc sắc của người Khmer như lễ mừng năm mới, cúng trăng, cúng ông bà…. Độc đáo phải kể đến lễ dâng y Kathina (lễ dâng y cà sa), diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Ngoài áo cà sa được dâng cúng trong lễ hội, còn có những vật phẩm khác như bình bát để các sư khất thực, cùng đồ gia dụng, thuốc uống hay thực phẩm. Nghi thức tạo nên bầu không khí náo nhiệt trong lễ dâng y là dàn nhạc ngũ âm rộn ràng, cuốn hút ánh nhìn là các thiếu nữ Khmer có nụ cười rạng rỡ và xúng xính trong trang phục truyền thống dâng hoa sen và những cây bông bạc. Hòa cùng dòng người là đội hình thanh niên hóa trang thực hiện múa trống sa dăm, múa chằn hay múa khỉ ngựa, còn thiếu nữ lại dịu dàng trong điệu múa Apsara uyển chuyển. Tùy thuộc vào đời sống kinh tế của Phật tử trong từng khóm, ấp mà quy mô tổ chức lễ Kathina cũng khác nhau, tuy nhiên ai cũng mong trong đời có ít nhất được một lần dâng y cà sa để tỏ lòng hướng thiện và sự tri ân, chia sẻ với những người xuất gia.