Bài: Trần Tấn Vịnh – Trần Hiếu
Ảnh: Trần Hiếu
Trong hệ thống di sản Việt Nam, đình làng là một loại hình kiến trúc đặc trưng của người Việt và là một loại hình kiến trúc đặc biệt so với nền kiến trúc thế giới. Đình còn tồn tại đến ngày nay có thể nói có tuổi đời khá trẻ so với các loại hình kiến trúc khác của người Việt, ngôi đình sớm nhất hiện còn có niên đại vào thế kỷ 16. Nghệ thuật chạm khắc gỗ trong đình làng là một kho báu vô cùng giá trị của ông cha ta để lại cho nền văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Hình tượng Tiên nữ là đề tài khá phổ biến và đặc sắc nhất của nghệ thuật điêu khắc đình làng.
Trong kho báu nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng, rồng là một loài vật linh thiêng và cao quý nhất trong các loài linh vật của dân gian. Và ở đình làng ta có thể thường xuyên bắt gặp những mảng chạm có đề tài Tiên nữ cưỡi rồng. Có thể nói đề tài chạm khắc này rất phổ biến trong đình làng ở giai đoạn thế kỷ 17 và 18. Hình tượng Tiên nữ cưỡi rồng chính là hình tượng Tiên được nghệ nhân xưa đưa lên một tầm quan trọng nhất và còn cao quý hơn cả loài rồng, cũng là thể hiện nhiều ước muốn cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, ước muốn chinh phục được thiên nhiên của nhân dân. Không chỉ có vậy, hình tượng Tiên trong đình làng được các nghệ nhân thời xưa khắc họa trau chuốt, tỉ mỉ nhưng cũng rất phóng khoáng, lãng mạn đậm chất dân gian.
Những tạo hình Tiên trong đình làng hết sức phong phú, đa dạng, có khi Tiên là những cô thôn nữ yếm thắm váy đào vắt vẻo trên lưng rồng múa hát hân hoan như Tiên ở đình Cao Đài, đình Hưng Lộc, đình An Hòa… Có khi Tiên nữ được tạo hình giống các Tiên nữ trong các tích rối nước đang xòe rộng đôi cánh múa như Tiên ở đình Phú Xuyên, đình Ngọc Than, đình Phú Hữu… Tiên được tạo hình là cô đào nương đang múa uyển chuyển như tiên đình Giẽ Hạ… Ở đình Hữu Bổ cô Tiên mang dáng dấp trang nghiêm của hình tượng Thánh Mẫu. Những nàng Tiên ở đình Hạ Hiệp, đình Đại Phùng, đình Kim Hoàng… có nét tạo hình thể hiện sự quyền uy như hoàng hậu.
Tiên trong hình tượng thôn nữ được tạo hình với trang phục đơn giản là áo yếm cổ khoét tròn, cánh tay để trần, mặc váy ngắn, thắt lưng thả múi phía trước, đầu cuốn tóc. Dù đây là trang phục truyền thống của mọi người dân lao động vào thời vua Lê chúa Trịnh, nhưng nếu nhìn kỹ có thể nhận thấy các nghệ nhân xưa đã để tâm tư chạm kỹ đôi hoa tai. Đôi hoa tai thường được chạm to, dài, đôi khi như hai bông hoa rất sinh động như thể hiện ước muốn riêng tư, ước muốn được làm đẹp của người phụ nữ trong những khuôn khổ gò bó thời phong kiến. Tiên lấy theo hình tượng Tiên trong các tích rối nước thường được mô tả kỹ hơn, trang phục cầu kỳ và đôi khi rất diêm dúa. Họ còn mang theo bên mình rất nhiều vật dụng làm đẹp nhưng rất đời thường như gương, lược…
Ở đình Hạ Hiệp, đình Đại Phùng, đình Kim Hoàng… hình tượng Tiên được chạm khắc chỉn chu, tạo hình trang phục đẹp và tinh tế hơn hẳn. Vẫn là áo cổ tròn nhưng có tay, cổ áo lại có diềm tạo hình hoa văn trang trí cầu kỳ tựa như trang phục của quý tộc. Váy được tạo hình từ nhiều dải vải đẹp tựa như những dải vải trên áo của những hoàng hậu thời vua Lê thế kỷ 17. Trên đầu Tiên cũng đội mũ chạm trổ cầu kỳ như họa tiết váy, rõ ràng không phải là mũ của dân thường. Tiên ở đây tạo hình tượng quyền uy hơn, khuôn mặt đầy đặn, quý phái nghiêm trang, thể hiện ước muốn mãnh liệt về đời sống ấm no bình yên, khát vọng chinh phục thiên nhiên của nhân dân nhưng vẫn chứa đầy tính dân gian như những cánh tay của Tiên dẻo dai, uyển chuyển múa trên lưng rồng.
Có thể nói, hình tượng Tiên là một đề tài nghệ thuật cực kỳ đặc sắc trong chạm khắc đình làng thế kỷ 17, 18. Đề tài Tiên thể hiện sự khéo léo tài tình cùng với sự sáng tạo, phong phú của những nghệ nhân dân gian xưa, những người dường như dành cả tâm sức và cuộc đời chỉ để làm công việc đục chạm trên những cấu kiện của ngôi đình.