Hữu Vi
Năm 1009, vua Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý. Trên nền tảng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, nhà Lý đã mở ra giai đoạn phục hưng văn hóa dân tộc. Thời kỳ này đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử gốm thủ công truyền thống Việt Nam. Gốm men lục, dòng gốm đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, kinh nghiệm dày dặn về đất và lửa cũng đã xuất hiện và lập tức đạt tới đỉnh cao, tiếp tục tồn tại tới thế kỷ 17 – 18, qua các triều đại Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng.
Gốm men lục được tạo bởi ô xít đồng cùng một hàm lượng vôi sống nhất định, nung trong môi trường lửa ô xi hóa. Nếu có thêm ô xít chì, sắc lục sẽ sậm màu hơn hơn. Nhưng gốm thủ công luôn là bí ẩn bởi kết quả phụ thuộc vào chất lượng đất, sự biến hóa của lửa, tốc độ và nhiệt độ nung cũng như kinh nghiệm của thợ gốm. Thực tế cho thấy, sắc độ gốm men lục Việt Nam rất phong phú. Màu lục biến đổi từ lục tươi, lục sẫm, lục nhạt, lục da táo tới lục ngả lam, lục ngả vàng, lục ánh đỏ… Tuy nhiên, về tổng thể ta vẫn nhận ra sắc thái riêng của dòng gốm này ở mỗi triều đại. Thời Lý (thế kỷ 11 – 13), gốm men lục chủ yếu nung nhẹ lửa, xương gốm xốp mịn trắng hồng khiến cho sắc men lục rất tươi, độ đồng đều màu rất cao. Thời Trần – Hồ (thế kỷ 13 – 14), do điều kiện khó khăn bởi cả dân tộc phải tập trung cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nên đồ gốm đã kém tinh tế hơn trước. Gốm men lục thời kỳ này được làm chủ yếu từ cốt gạch và cốt gốm nung nặng lửa. Bởi vậy, sắc men trở nên sậm hơn và độ chảy của men ít đồng đều hơn. Đặc điểm này mang tới cho gốm men lục thời Trần một vẻ đẹp khỏe khoắn, mộc mạc. Thời Lê sơ (thế kỷ 15) gốm men lục lại quay về với cốt gốm nung nhẹ lửa, sắc men tươi trở lại nhưng lớp men khá mỏng. Song song đó, loại gốm men lục sậm nung nặng lửa vẫn tiếp tục được phát triển. Thời Mạc – Lê Trung hưng (thế kỷ 16 – 18) chỉ còn tồn tại loại gốm men lục nung nặng lửa, đồng thời không còn phủ đơn sắc toàn bộ sản phẩm nữa mà chủ yếu được sử dụng để tô điểm các mảng hoa văn trang trí trên nền men trắng, hoặc làm nền cho các mảng trang trí nổi để mộc.
Trong khi các dòng gốm khác rất đa dạng về loại hình thì gốm men lục chỉ xuất hiện trong đồ gia dụng gồm bát, đĩa, hộp, âu, thạp, bình vôi; đồ thờ cúng như lư hương, đỉnh trầm, tượng nghê thờ và vật liệu, trang trí kiến trúc cung đình gồm gạch ô thoáng, ngói lợp mái, tượng trang trí mái… Do tự thân sắc men lục đã tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ nên hoa văn trang trí trên dòng gốm này chỉ sử dụng các kỹ thuật ám họa. Tuỳ theo độ chìm nổi, nông sâu của đường nét hoa văn mà sau khi nung, lớp men chảy đọng lại dầy mỏng, ẩn hiện khác nhau tạo nên sự lung linh quyến rũ. Dưới đây một số kỹ thuật ám họa thường gặp trên gốm men lục.
Kỹ thuật in khuôn ngoài gặp trên các loại hộp, tượng, gạch, ngói. Áp dụng kỹ thuật này, thợ gốm khắc chìm hình hoa văn cần trang trí trực tiếp lên khuôn tạo hình sản phẩm. Sau khi nhấc khuôn ra, hoa văn sẽ hằn lên mặt ngoài sản phẩm.
Kỹ thuật in khuôn trong thường thấy trên đồ gia dụng như bát, đĩa. Kỹ thuật này phải sử dụng 2 loại khuôn gồm khuôn tạo hình sản phẩm và khuôn in hoa văn. Trước tiên nghệ nhân gốm khắc chìm hình âm bản hoa văn cần trang trí lên thành khuôn in hoa văn. Sau khi tạo hình xong, lúc cốt gốm vẫn còn mềm, nghệ nhân ấn khuôn in này vào lòng sản phẩm, hình khắc trên khuôn in sẽ tạo ra hình dương bản cần trang trí.
Kỹ thuật khắc chìm sử dụng cho các loại hình bát, đĩa, âu, thạp. Đây là kỹ thuật dùng dao tre, gỗ vót nhọn khắc hình hoa văn lên sản phẩm mộc, trước hoặc sau khi tráng men. Khi khắc, đầu dao được đặt nghiêng với bề mặt sản phẩm, tạo ra nét thanh nét đậm, nét dày nét mỏng rất mềm mại và uyển chuyển.
Kỹ thuật dán nổi là kỹ thuật tạo hình hoa văn rời bằng cách đắp nặn hoặc in khuôn sau đó dán lên bề mặt sản phẩm mộc trước khi nung. Kỹ thuật này phát triển dưới thời Mạc – Lê Trung hưng, trên các loại đồ thờ như lư hương, đỉnh trầm, tượng nghê thờ. Những mảng hoa văn dán nổi được tô men lục, vừa giảm bớt được sự nặng nề mà vẫn tạo ra cảm giác chắc khoẻ của hình khối trang trí.
Đề tài trang trí chủ đạo gồm các đồ án hoa sen, cúc, mai, mẫu đơn, dương xỉ, văn dây xoắn, hoa dây uốn hình sin, các em bé ở miền Cực lạc (hình các em bé mũm mĩm đang đu trên dây hoa lá), rồng, nghê, tôm, cá, sóng nước… Với gốm men lục thời Lý, hoa văn trang trí lấy đường cong và mật độ hoa văn dày đặc làm yếu tố chính. Gốm men lục thời Trần lấy sự khỏe khoắn, mộc mạc làm đầu và gốm men lục thời Lê sơ toát lên vẻ chỉn chu. Còn gốm men lục trắng thời Mạc – Lê Trung hưng lại thể hiện tính cầu kỳ, hình khối chắc khỏe. Tuy nhiên, giữa các thời có một điểm chung là tính thống nhất và hoàn thiện giữa kiểu dáng, màu men và hoa văn trang trí luôn được chú trọng, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Có một điều dễ nhận thấy là đồ gốm men lục khá hiếm gặp. Hiện nay, số lượng gốm men lục Việt Nam đã công bố thuộc sở hữu của các bảo tàng, sưu tập tư nhân cả ở trong và ngoài nước vẫn chỉ dừng ở mức có thể đếm được. Vấn đề này hoàn toàn không khó để lý giải bởi để chế tạo dòng gốm này đòi hỏi trình độ tay nghề, kỹ thuật cao cũng như sự đầu tư công sức, tâm huyết và khả năng làm chủ ngọn lửa của các nghệ nhân gốm xưa. Đương nhiên, với sự quý hiếm và những giá trị, vẻ đẹp vốn có đó, dòng gốm này được sản xuất ra trước hết chỉ để cung cấp cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc đương thời.