Thái A
Dễ nhận thấy trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền hình, những clip quảng cáo và giới thiệu thuốc liên tục xuất hiện, ngang với thời lượng của các mặt hàng khác như ô tô, xe máy, mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa. Dù kinh tế vừa qua có xu hướng suy giảm, song tiêu dùng cho thuốc vẫn là một phần quan trọng trong đời sống người dân, bởi đây là một phần chi tiêu thiết yếu và không thể thay đổi. Theo báo cáo của Bộ y Tế, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dược giai đoạn 2009 – 2013 đạt 18,8%/năm. Đây là con số rất khả quan, báo hiệu sức sống của ngành dược Việt Nam đang vươn lên ngang tầm khu vực
Theo bảng phân loại và xếp hạng cho ngành dược của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), hiện Việt Nam đang ở gần cấp độ 3 trên thang 4 cấp độ, tức là quốc gia có công nghiệp dược nội địa, sản xuất được thuốc generic (thuốc đã hết thời hạn bảo hộ) và xuất khẩu được một số dược phẩm. Có lịch sử hình thành từ xa xưa, nền tảng dược của đất nước vốn khởi nguyên từ những vị thuốc thiên nhiên, từ đó đã hình thành nên một hệ thống kiến thức về đông y đầy bản sắc, đặc biệt là dòng thuốc nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyến khích phát triển rộng rãi. Cho tới thế kỷ 19, khi tiếp cận tới văn hóa phương Tây, người Việt đã biết tới các dòng thuốc tây, tuy nhiên, do điều kiện xã hội đặc thù nên việc nghiên cứu và sản xuất dược phẩm chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1990, từ sau khi có Nghị quyết Trung ương IV và Quyết định 58 của Thủ tướng chính phủ về công nghiệp dược. Từ năm 2005 cho tới nay, các công ty dược đẩy mạnh quá trình nâng cấp tiêu chuẩn lên GMP-ASEAN; GMP-WHO; PIC/S; EU-GMP… nhằm thích ứng với yêu cầu về chất lượng ngày càng gia tăng và phù hợp với quá trình toàn cầu hóa của ngành dược Việt Nam. Tính cho tới thời điểm hiện tại, cả nước hiện có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc (trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược), tuy nhiên, các doanh nghiệp nội vẫn mới chỉ sản xuất được 50% cho nhu cầu trong nước, phần còn lại thuộc về các nhãn hiệu nước ngoài. Có một tồn tại lớn trong ngành dược Việt Nam là việc lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài chiếm 90% nhu cầu, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp và Hàn Quốc.
Duy trì sự tăng trưởng doanh thu của ngành dược không phải là vấn đề quá khó, dù nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước viễn cảnh không mấy khả quan. Tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới (BMI) dự báo lượng tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ lên tới 117.802,35 tỷ USD vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình 15,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn đề mấu chốt nhất của ngành dược Việt Nam là làm thế nào để có thể nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm thuốc mới, tránh lệ thuộc vào các hãng dược nước ngoài, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên liệu. Với lợi thế có nền tảng tri thức đông y cực kỳ phong phú, các hãng dược trong nước hoàn toàn có thể đưa ra thị trường những sản phẩm thuốc chế từ dược thảo, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe mà giá thành không quá đắt.
Cho tới năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu thuốc sang các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Hồng Kông, Ấn Độ, Philippines, Malaysia và hơn 20 nước ở Châu Phi. Theo dự báo từ BMI, doanh thu xuất khẩu sẽ tăng nhanh và đạt con số 250 triệu USD vào năm 2017. Điều này dựa trên sự đánh giá về thị trường tiềm năng ở Châu Phi với 70% nhu cầu thuốc đều phải nhập khẩu. Các sản phẩm dược của Việt Nam được xuất sang đó bao gồm thuốc trị bệnh sốt rét, tiêu chảy, vacxin các loại, đây đều là những dòng thuốc do Việt Nam tự sản xuất, hiệu quả cao mà giá thành phù hợp với người bản địa.
Khách quan mà nói, ngành dược Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là vấn đề cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, bởi những nước tiên tiến đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu từ hàng trăm năm trước, và cho tới nay, các hãng của Thụy Sỹ, Pháp, Mỹ… vẫn đứng đầu trong việc sản xuất ra dòng thuốc đặc trị các bệnh nan y như tim mạch, ung thư… Để có chỗ đứng trên trường quốc tế, ngành dược Việt Nam bắt buộc phải khéo léo dựa trên vị thế của mình, hướng tới sản phẩm đông dược, nghiên cứu ra các thuốc chữa bệnh có nguồn gốc từ thiên nhiên. Về vấn đề này, ông Phùng Minh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Trung ương (Mediplantex) nhận định: “Doanh nghiệp Việt nên tận dụng lợi thế là đông dược, bởi đất nước chúng ta có một nền y học cổ truyền rất lâu đời. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường”.
Đây là điều mà Chính phủ Việt Nam đã định hướng và Bộ y Tế rất nỗ lực xúc tiến thông qua các chính sách hỗ trợ như đốc thúc doanh nghiệp đạt chuẩn GMP, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu xuống 0%. Trong năm 2014, chương trình Con đường thuốc Việt do Bộ y Tế và Cục quản lý dược đề xướng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp dược vươn lên chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo một sự ổn định về sức khỏe của người dân, từ đó góp phần xây dựng đất nước Việt Nam bình ổn và phát triển.