Bài: Lê Thảo
Ảnh: AMACHAU

Đỉnh núi Yên tử huyền thoại với những di tích tâm linh

Đó là đỉnh cao nhất của vòng cung Đông Triều, vòng cung cuối cùng của năm dãy núi hình dẻ quạt của Bắc Bộ. Ngọn núi cao nhất (1.068m) được biết đến với nhiều tên gọi như: Núi Voi (vì có hình giống đầu và lưng voi), Phù Vân Sơn (vì nhìn từ xa ngọn núi như bồng bềnh trên những đám mây), Bạch Vân Sơn (vì luôn có mây trắng bao quanh) hay Linh Sơn (núi thiêng)… Tuy nhiên, cái tên thông dụng nhất mà nhiều người biết đến là Yên Tử, biệt danh của đạo sĩ An Kỳ Sinh, người đầu tiên lên núi lập am tu, luyện thuốc trường sinh cách đây trên 1.000 năm.

Cổng vào khu tháp tổ

Núi Yên Tử phía Bắc kéo dài tới biên giới Trung Quốc. Phía Đông nhìn ra vịnh Hạ Long, với cửa Bạch Đằng giang, phía Nam là đồng bằng Bắc Bộ, phía Tây án ngữ con đường huyết mạch từ biên giới Lạng Sơn về kinh thành Thăng Long. Nhiều giả thuyết cho rằng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn địa thế hiểm yếu này vừa để tu luyện vừa để canh giữ biên cương. Lại có giả thuyết cho rằng ông chọn nơi này bởi đây chính là huyệt đạo trọng yếu của nước Việt. Không rõ giả thuyết nào đúng song điều rõ ràng là đây đã trở thành nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt.

Yên Tử mỗi mùa có một vẻ đẹp khác nhau, thậm chí có đủ bốn mùa trong một ngày. Bạn có thể đặt một gói du lịch hoặc tự đi, song cách hay nhất là theo chân những người hành hương, bởi họ sẽ đi lần lượt các chùa, am lớn nhỏ tại đây theo dấu chân của Phật hoàng khi xưa.

Đường tùng

Thời xưa, con đường lên Yên Tử bắt đầu từ bến sông Đá Bạc đi ngược lên núi, do đó mà các di tích chùa cổ cũng được lập ra dọc con đường này. Điểm đến đầu tiên là chùa Bí Thượng còn gọi là chùa Trình nay là trụ sở của hội Phật giáo Quảng Ninh. Kế đó, đi cắt qua quốc lộ 18 chúng ta tới chùa Suối Tắm, nơi mà nhà vua tiến hành nghi thức tẩy trần trước khi lên núi, rồi đến chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa giải oan. Mỗi chùa đều có sự tích gắn liền với vị phật tổ Trần Nhân Tông. Chùa giải oan nằm sát chân núi, từ đây có hai cách để lên núi, một là leo bộ khoảng 1.200m theo con đường tùng, đường trúc huyền thoại để lên tới tháp tổ hoặc đi cáp treo.

Vườn tháp

Hãy để đường tùng, đường trúc cho chuyến đi xuống, cách đỡ mất sức nhất là đi lên tháp Tổ bằng cáp treo. Khu tháp Tổ là một quần thể gồm lăng Quy Đức, tháp Tổ và vườn tháp. Lăng là nơi tưởng niệm vua Trần Nhân Tông cũng là đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ở giữa lăng có tháp Tổ còn gọi là tháp huệ Quang xây bằng đá xanh gồm 6 tầng, hình khối vuông nhỏ dần lên trên, đỉnh tháp tạc một búp sen, cũng có người cho là bầu nước cam lồ của Phật. Toàn bộ tháp cao 10m. Đáng chú ý là phần bệ tháp được tạc thành 102 cánh sen với các họa tiết hoa dây khá tinh xảo có từ thời Trần. Trong lòng tháp ở tầng hai có đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao 60cm trong hình thế của một nhà sư mặc áo cà sa, ngồi tọa thiền. Đây cũng chính là nguyên mẫu cho bức tượng đồng lớn được đúc sau này đặt tại An Kỳ Sinh. Quanh lăng là một vườn có 63 ngôi tháp thờ các vị sư đã viên tịnh ở nơi đây. Từ tháp Tổ có một con đường lát bằng 184 viên gạch cổ đúc nổi hoa cúc theo phong cách thời Trần nối với chùa Hoa Yên. Đây là ngôi chùa chính của Yên Tử nên còn có tên là chùa Cả. Chùa được cải tạo lại khang trang trên nền cũ năm 2002. Trước cửa chùa có 6 cây đại cổ thụ tuổi đời đến 700 năm vẫn xanh tốt nở hoa rực rỡ.

Cây đại 700 năm tuổi

Dù hơi ngược đường một chút song bạn đừng bỏ lỡ tuyến thăm thác Ngự Dội, thác Vàng, con đường dẫn tới hai thác này có hàng cây cổ thụ bám cheo leo trên vách đá, rễ cây len với đá tạo nên con đường men theo sườn dốc trông rất thơ mộng nên có tên là đường Thạch Thảo. Trở lại am Thiền định, nếu bạn leo thẳng lên sẽ tới tháp chín tầng, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, An Kỳ Sinh. Con đường này khá dốc bởi chênh lệch độ cao tới gần 500m. Vì vậy nhiều du khách chọn phương án đi tuyến cáp treo từ sau chùa Một Mái lên đỉnh An Kỳ Sinh. Ngồi trên cáp treo lên An Kỳ Sinh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khu bảo tồn thiên nhiên Yên Tử. Phủ kín những vách núi hiểm trở là rừng nguyên sinh với vô vàn loài thực vật đặc hữu, một kho thuốc phong phú giữa lưng trời.

Suối giải oan

Đến An Kỳ Sinh có nghĩa là đã đến cổng trời. Từ đây, nhìn xuống dưới vào những ngày nhiều mây, chỉ thấy một màu trắng xóa. Trước đây An Kỳ Sinh chỉ có một am nhỏ xây bằng đá, phía trước có một mỏm đá tự nhiên cao hơn 3m có hình một người khoác áo choàng đang đứng chắp tay thành kính. hiện nay, khu vực này đã được cải tạo lại khá khang trang. Trên đỉnh núi có đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 138 tấn cao 12,6m được đặt trên đài sen bằng bê tông ốp đá. Có nhiều câu truyện thú vị về kỳ công của những nghệ nhân khi đưa một khối lượng vật tư khổng lồ lên đỉnh cao hiểm trở gần 1.000m quanh năm mây mù, để thi công công trình này. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi đã xác lập 2 kỷ lục châu Á, là bức tượng Phật được đúc nguyên khối lớn nhất, và nằm ở vị trí cao nhất.

Xích tùng trên đỉnh Yên Tử

Đối với những phật tử thành tâm thì đã đến Yên Tử là phải lên đến chùa Đồng. Con đường từ An Kỳ Sinh lên đến chùa Đồng dài 721m chỉ có đá, mây và gió. Nhiều đoàn người len lỏi quanh những tảng đá lớn trong mây mù để lên đến chùa Đồng đặt ở đỉnh núi với độ cao 1.068m so với mực nước biển. Chùa được một bà vợ của chúa Trịnh lập từ cách đây trên 300 năm, song bị gió bão cuốn mất. Nay chùa được làm mới hoàn toàn bằng đồng cao 4m rộng 20m, ngoài chùa còn có giá chuông, giá khánh cũng bằng đồng mỗi khi thỉnh lên vang vọng cả một vùng. Không biết có phải do sự linh thiêng của chùa, hay tự cảm nhận thấy kỳ tích vượt qua chính mình khi lên đến đây, ai cũng thấy sảng khoái thanh thản giữa đất trời, dọn lòng trong sáng khi xuống núi.

Non thiêng Yên Tử, người ở đã thành tiên, thành phật, người về mang kỷ niệm khó phai của một lần đã đặt chân tới chốn bồng lai tiên cảnh. Sâu hơn nữa là cảm nhận và ngưỡng mộ tinh thần hào sảng gắn đạo với đời của thiền phái Trúc Lâm mà đại diện là người anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông.