Bài: Phan Thị Thanh Nhàn
Ảnh: Lê Bích
Dạo đó, tôi chỉ lên chín, lên mười, học ở trường tiểu học đặt tại đình làng. Từ phố vào làng với tôi có bao điều lạ. Các bạn học của tôi ở trong làng rất nhiều. Chiều chiều tôi thường cùng em gái vào làng xin nước gạo về nuôi lợn. Hai chị em khiêng chiếc thùng nhỏ, đi loanh quanh trong xóm, giữa các con đường hai bên trồng hàng rào duối lấm tấm quả vàng. Sau hàng rào thấp đó là các khu vườn thơm thoảng mùi hoa cau, hoa nhài, hoa móng rồng, hoa bưởi… Dạo đó, tôi hay đọc sách vì bố tôi có rất nhiều sách. Cạnh nhà bố mẹ lại có bà Kẹo cho thuê sách nên bố mẹ cho đồng nào là tôi ra thuê sách về đọc. Khi cùng em gái đi trong làng Yên Phụ, hoặc cùng bạn bè chơi đùa trong các khu vườn, tôi rất nhớ câu thơ của nhà thơ Huy Cận: “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm – Người cùng ta đi dạo giữa đường thơm”… Hoa bưởi thơm nhất và nở rộ vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch. Tôi thường nhặt hoa bưởi rụng cho vào cái túi áo cánh để lúc nào cũng có mùi thơm phảng phất, dịu nhẹ mà tinh tế.
Mẹ tôi thường đọc ca dao. Tôi đã thuộc lòng những câu rất hay về hoa bưởi:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!
Hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu
Không bằng hoa bưởi thơm lâu, dịu dàng…
Hoa chi thơm lạ thơm lùng
Thơm cây thơm lá, người trồng cũng thơm
Hiếm có cây nào lá cũng thơm như cây bưởi. Mẹ tôi thường gội đầu bằng lá bưởi nấu cùng bồ kết rồi vắt chanh lên tóc. Tóc mẹ rất dài, khi mẹ quay tóc cho chóng khô, một mùi thơm dịu dàng lan tỏa làm tôi nhớ đến tận giờ, khi mẹ đã không còn.
Thế rồi, những năm chiến tranh ác liệt, em trai tôi lên đường ra tiền tuyến cùng các chàng trai Hà Nội, sau vườn nhà tôi cũng có một cây bưởi. Có thể, tôi đã tưởng tượng ra cảnh em trai mình chia tay với người yêu bằng chùm hoa bưởi cô gái gói trong chiếc khăn tay. Cũng có thể đó là sự thật của bao chàng trai cô gái chia tay nhau thời chiến. Chính hoa bưởi dân dã mà tinh tế, dịu dàng và thân thiết với tôi từ nhỏ đã giúp tôi viết bài thơ “Hương thầm” tặng em trai và các bạn trẻ một thời chiến tranh khốc liệt nhưng lý tưởng cao đẹp và tình yêu luôn trong sáng.
Xem thêm: