Nguyễn Quốc Hữu
Những sắc màu đầy nhịp điệu và sức sống của các loài chim và hoa, luôn gợi lên hình ảnh của hương sắc và vẻ đẹp lộng lẫy. Đó là lý do tại sao, chim và hoa đã trở thành đề tài trang trí quan trọng xuyên suốt mọi thời đại trong nghệ thuật cổ Việt Nam, trên mọi chất liệu như gỗ, giấy, vải, vàng, bạc, đồng, ngọc, ngà, đá, gốm… và mọi loại hình như đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng, nghi lễ, nhạc khí, vũ khí, văn phòng tứ bảo, trang sức, trang phục, vật liệu, trang trí kiến trúc, tranh thêu, tranh vẽ…
Đối thoại với thiên nhiên
Trong hết thảy, các nghệ nhân Việt xưa đã hòa mình vào thiên nhiên để biểu đạt thế giới kỳ diệu của các loài chim và hoa bằng nghệ thuật. Họ đối thoại, đào sâu quan sát các chi tiết của thiên nhiên, thấm nhuần các hình thức, trạng thái của hoa cũng như các hành vi, chuyển động của các loài chim, khiến nó trở nên quen thuộc như nhập vào tâm can, ngấm vào máu thịt. Chính vì vậy, chim ưng, đại bàng, cú mèo, công, trĩ, vẹt, thiên nga, uyên ương, hạc, cò, én, bói cá, chào mào, chích chòe, sáo, sẻ… cùng những hoạt động phong phú thường ngày của chúng như bay, đậu, vỗ cánh, kiếm ăn, săn mồi, chim trống đạp mái, ngủ, chết… đều hiển hiện chân thực, sinh động trên các đồ án, bức vẽ… Mỗi hoạt động lại được thể hiện trong nhiều tư thế, nhiều dáng vẻ khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng không ngờ.
Với hoa lá, cỏ cây cũng vậy. Chúng được thể hiện dưới nhiều hình thức trạng thái sinh trưởng khác nhau. Cùng một đồ án, ta có thể gặp nụ hoa còn đang chúm chím, hoa mới nở với lớp cánh ngoài đã hé nhưng lớp cánh bên trong vẫn ôm khít lấy nhau, hoa nở mãn khai với các lớp cánh tỏa đều ra xung quanh để lộ nhụy hoa tròn ở giữa và cả hoa tàn, cánh hoa đã rụng hết chỉ còn đài hoa… Tương tự là hình thức lá. Như trường hợp hoa sen, cùng một đồ án luôn có đủ lá mới mọc vẫn còn cuộn lại thành bẹ, có lá đã bắt đầu xòe ra như chiếc loa, bởi được vẽ theo lối nhìn nghiêng nên giống hình quạt giấy; có lá đã nở hết cỡ thành một mê tròn, có lá bắt đầu tàn, cuống lá rủ xuống, phiến lá cụp lại.
Phép ẩn dụ và ý nghĩa biểu tượng
Những đồ án chim và hoa, ngoài mang đến vẻ đẹp còn được người xưa gửi gắm những ý nghĩa biểu tượng tốt lành. Mỗi loài chim, hoa thường được gán cho một đức tính, một ý nghĩa tượng trưng nào đó. Trúc là quân tử, mai là giai nhân, mẫu đơn là phú quý, cúc là kẻ ẩn dật. Hoa sen tượng trưng cho cốt cách của bậc quân tử, gần bùn mà chẳng hôi tanh bùn. Dù cuộc đời ô trọc, nhân tình ấm lạnh, bậc quân tử vẫn giữ được tiết tháo của mình. Tùng, trúc, mai là những loài cùng chịu được sương rơi, tuyết lạnh nên được ví là “ba người bạn mùa đông” (tuế hàn tam hữu), tượng trưng cho đức tính nhẫn nại, luôn vững vàng trước phong ba bão táp của cuộc sống con người. Mai, lan (hoặc sen), cúc, trúc (hoặc tùng) thường đi chung với nhau thành bộ (tứ quý), tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông hoặc được xem như biểu tượng của bậc quân tử (tứ quân tử)… Đôi chim uyên ương tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Hạc là biểu tượng của trường thọ, vĩnh cửu. Chim ưng là biểu tượng của những người anh hùng…
Để tăng vẻ sinh động của đồ án, chim bao giờ cũng được kết hợp khéo léo với hoa dựa trên sự gắn kết vốn có trong môi trường tự nhiên hoặc theo những ý niệm mà con người gửi gắm như chim sẻ – trúc, công – mẫu đơn, chim trĩ – mẫu đơn, sen – uyên ương, sen – hạc, tùng- hạc, chim vẹt – đào… Chim ưng thường được thể hiện theo các điển tích “Anh hùng tương ngộ” mô tả cuộc chiến kịch liệt, bất phân thắng bại giữa chim ưng và mãng xà hoặc tích “Anh hùng độc lập” mô tả chim ưng một mình dang cánh đứng oai phong trên mỏm núi… Ngoài ra, người xưa còn dùng phép ẩn dụ qua lối chơi chữ đồng âm nhằm biểu đạt những ước nguyện tốt lành trong cuộc sống. Ẩn sau đồ án chim sẻ đậu cành trúc là lời chúc được thăng quan tiến chức. Chữ “trúc” trong cây trúc đồng âm với “chúc” trong chúc tụng. Chim sẻ, âm Hán – Việt là “tước”, đồng âm với chữ “tước” trong chức tước. Mô típ đôi uyên ương bơi quấn quýt trong đầm sen là ngụ ý về hạnh phúc lứa đôi được bền lâu mãi mãi. Hoa sen, âm Hán – Việt là “liên”, đồng âm với “liên” trong liên tục. Đề tài “Phi, Minh, Túc, Thực” vẽ 4 con chim trong 4 tư thế, hoạt động khác nhau tượng trưng cho những ý nghĩa biểu tượng cơ bản của cuộc sống con người. Hình chim dang cánh bay (phi), biểu tượng cho kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất trong cuộc sống. “Phi” (bay) đồng âm với “phi” (lớn lao, cơ nghiệp lớn), biểu tượng của thành đạt. Hình chim nghển cổ kêu (minh), biểu tượng cho giao tiếp tình cảm. “Minh” (kêu) đồng âm với “minh” (sáng), biểu tượng cho tiền đồ quang minh xán lạn. Hình chim rúc đầu vào cánh ngủ (túc), thể hiện nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, hồi phục năng lượng để sinh tồn tốt hơn. “Túc” (ngủ) đồng âm với “túc” (đầy đủ, dồi dào), biểu tượng của giàu có, no đủ. Hình chim đang kiếm ăn (thực), thể hiện nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại trong cuộc sống. “Thực” (ăn) đồng âm với “thực” (tăng trưởng, sinh sôi nảy nở), biểu tượng cho sự thăng tiến, phát triển.
Để tạo nên những đồ án chim và hoa sống động như thực, ngoài việc quan sát thiên nhiên kỹ lưỡng, tinh tế, đòi hỏi nghệ nhân xưa phải có tay nghề thành thục, điêu luyện, óc thẩm mỹ tinh tế và cảm hứng nghệ thuật hoàn hảo. Dù là đặc tả chi li, cầu kỳ hay chỉ với vài nét bút, đường chạm phóng khoáng, người Việt xưa không những lột tả được những đặc điểm hình thể, trạng thái sống mà còn thổi vào đó tâm hồn, tình cảm vốn có của mỗi loài. Một ví dụ nhỏ về đồ án cây tùng, chúng luôn được thể hiện trong thế vươn cao, đứng thẳng trong khung cảnh mùa đông giá rét. Thân cây mọc lên từ đá, vỏ cây già nua nhiều mấu xù xì nhưng những chùm lá mọc chi chít, xum xuê. Tất cả những đặc điểm trên toát lên sự hiên ngang của cây trước phong ba, gió rét. Đôi khi, như để đề cao hình ảnh đã trở thành biểu tượng này, người xưa điểm thêm bên cạnh gốc tùng một loại cây khác trong thế đổ nghiêng, cành cây khẳng khiu trơ trọi lá. Đó chính là những phác họa chân thực từ thiên nhiên, cuộc sống.