Hứa Thanh Bình
Tranh Thánh Gióng được vẽ năm 2021, chất liệu sơn dầu trên vải bố, kể lại câu chuyện mang màu sắc huyền thoại với hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt tiến lên phía trước đánh tan giặc Ân. Ẩn hiện trong tranh là những họa tiết, hoa văn rồng thời Lý Trần thể hiện tinh thần dân tộc, văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Truyền thuyết “Thánh Gióng” kể về cậu bé được sinh ra ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh vào đời Hùng Vương thứ 6. Cậu bé tên Gióng được mẹ sinh ra, nuôi lớn bụ bẫm nhưng lên 3 tuổi mà vẫn không biết nói, biết đi. Gặp lúc nước nhà bị xâm lăng, rơi vào tình huống nguy cấp, vua loan tin tìm người tài đánh giặc khắp nơi nơi. Khi sứ giả đến làng Gióng thì kì lạ thay, cậu bé bỗng cất tiếng nói và nhờ mẹ mời sứ giả vào nhà. Cậu bé muốn được nhà vua cấp cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để ra trận đánh giặc. Kể từ đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến quê nhà cũng là lúc cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt oai phong và vung roi sắt kiên cường đánh đuổi quân xâm lăng. Tráng sĩ làng Gióng diệt giặc bảo vệ bờ cõi xong thì lập tức cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Nhớ công ơn to lớn của chàng Gióng, nhà vua đã cho lập đền thờ Thánh Gióng tại quê nhà và tôn là Phù Đổng Thiên Vương.
Truyền thuyết Thánh Gióng thể hiện tinh thần và sức mạnh của người Việt giữ nước, chống giặc ngoại xâm.