Bài: Như Anh
Ảnh:
Tư Liệu

Đại dịch COVID-19 đã buộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện đợt tái cơ cấu tổng thể và toàn diện nhất kể từ khi IPO năm 2014. 

THÀNH QUẢ CỦA NHỮNG NỖ LỰC BỀN BỈ

“Năm 2021 là quãng thời gian thực sự khắc nghiệt đối với ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đã có những nỗ lực tự thân rất đáng ghi nhận, bước đầu triển khai hiệu quả một số giải pháp tái cơ cấu để tiếp tục trụ vững trước những tác động bất lợi rất lớn của đại dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã đánh giá như vậy tại cuộc gặp gỡ với các phóng viên vào ngày cuối cùng của năm 2021.

Nhận định của người đứng đầu ngành GTVT Việt Nam có cơ sở bởi ít ngày trước đó, Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC – Hoa Kỳ) đã ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến việc thuê 18 máy bay gồm 12 Airbus A321neo và 06 Boeing B787-10 của Vietnam Airlines trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng, cũng như xem xét lại các điều khoản thuê máy bay dựa trên diễn biến phục hồi kinh tế và hàng không ở Việt Nam và Đông Nam Á. Thỏa thuận này đã tiết kiệm cho Vietnam Airlines cả tỷ USD – một thỏa thuận có thể coi là “lịch sử” trong quá trình phát triển của hãng.

Hiện Vietnam Airlines đang thực hiện 65 hợp đồng thuê máy bay trên tổng số 107 máy bay đang khai thác với 12 đối tác cho thuê máy bay, trong đó có 9 hợp đồng thuê máy bay mới chưa nhận (các máy bay này có lịch nhận theo hợp đồng vào năm 2020).

Trong cơ cấu chi phí của Vietnam Airlines, chi phí thuê máy bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước COVID-19) và tăng lên tới 31-32% (giai đoạn COVID-19). Tổng chi phí cho máy bay thuê và máy bay sở hữu chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước COVID-19) và tăng lên 37 – 42% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn COVID-19). Do vậy, kết quả đàm phán tái cơ cấu đội máy bay với các bên cho thuê máy bay đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp Vietnam Airlines giảm lỗ đáng kể trong giai đoạn COVID-19 mà còn nhằm cấu trúc lại chi phí trong thời kỳ hậu COVID-19.

Đối với Vietnam Airlines, việc đàm phán với các bên cho thuê máy bay thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều vì hầu hết đối tác đều cho rằng Vietnam Airlines là hãng Hàng không Quốc gia và nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên họ không lo về khả năng hãng có thể phá sản. Vì thế, kết quả đàm phán được với các bên cho thuê máy bay thật sự ấn tượng. Tuy nhiên, thành công bước đầu của việc tái cơ cấu đội máy bay sau cả một quá trình dài nỗ lực và ngay chính việc tái cơ cấu đội máy bay cũng chỉ là một phần của chiến lược tái cơ cấu tổng thể và toàn diện của Vietnam Airlines.

MỆNH LỆNH SỐNG CÒN

Dịch COVID-19 đã khiến hoạt động khai thác của các doanh nghiệp hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, ngưng trệ nghiêm trọng: nguồn thu sụt giảm đột ngột, thậm chí có giai đoạn không có nguồn thu trong khi chi phí cố định rất lớn nên phát sinh lỗ lớn. Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết, đến hết năm 2021, Vietnam Airlines đã được giải ngân khoảng 80% giá trị của gói vay thương mại và bổ sung vốn. “Tuy nhiên, khoản bổ sung này mới chỉ bù đắp tình trạng mất cân đối thu chi và thâm hụt dòng tiền của năm 2020, trong khi đó tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 còn khó khăn hơn rất nhiều”, ông Hiền giải thích thêm.

Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, Vietnam Airlines dự báo thị trường hàng không nội địa bằng 70% năm 2019 và thị trường hàng không quốc tế năm 2022 bằng 25% năm 2019 do nhu cầu đi lại chưa cao. Điều này giải thích lý do việc triển khai phương án tái cơ cấu vừa được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 Vietnam Airlines thông qua. Trong đó, tái cơ cấu đã được coi là mệnh lệnh mang tính sống còn.

Bên cạnh việc tái cơ cấu đội bay, Vietnam Airlines tiếp tục tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất… Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu và một số giải pháp tài chính khác để cải thiện bảng cân đối kế toán, đảm bảo nguồn lực tài chính trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết trong bối cảnh nguồn lực tài chính bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, giải pháp kêu gọi bổ sung nguồn vốn khẩn cấp từ các cổ đông để có ngay dòng tiền kịp thời ứng phó với khủng hoảng được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. “Đây là phương án đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo, đặc biệt khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài, vừa giúp hãng kịp thời cải thiện quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, vừa đảm bảo các chỉ số tài chính không bị mất cân đối”, Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh.

TẠO ĐÀ PHỤC HỒI

Tái cơ cấu kết hợp với những tín hiệu thị trường tích cực có thể sẽ mang lại một bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn cho Vietnam Airlines trong thời gian tới.

Cho đến ngày 1/1/2022, Việt Nam đã chạm mốc 150 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine ph.ng COVID-19. Thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử này đã làm tăng nhu cầu cho những hoạt động giao thương, đi lại, du lịch của người dân. Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép mở lại hầu hết các đường bay quốc tế thường lệ với điều kiện nhập cảnh, cách ly y tế được nới lỏng… hứa hẹn làm sống lại thị trường vận tải hành khách quốc tế sau hơn 2 năm đóng băng.

Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép tiến hành thông báo với nhà chức trách hàng không các quốc gia Pháp, Đức, Anh và Nga việc có thể tổ chức lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam và Pháp, Đức, Anh, Nga với tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều cho toàn bộ hãng hàng không mỗi bên đối với từng thị trường. Mở lại các đường bay kết nối Châu Âu, Úc là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời thúc đẩy phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế và kinh tế.

Vietnam Airlines đã chính thức khai thác trở lại đường bay thường lệ đến Úc từ ngày 15/1/2022. Đây là thị trường quốc tế thứ 8 được khôi phục hoạt động chở khách thường lệ tới các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia… Bên cạnh đội máy bay thân hẹp hơn 70 chiếc đang khai thác bao phủ rộng khắp các đường bay nội địa và quốc tế khu vực, 29 chiếc máy bay thân rộng của Vietnam Airlines luôn được đảm bảo kỹ thuật để sẵn sàng phục vụ các đường bay dài và tầm trung. Việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ giúp Vietnam Airlines tối ưu được đội bay, giảm chi phí khai thác, củng cố vị thế của hãng Hàng không Quốc gia trong việc tăng cường kết nối giao thương giữa Việt Nam với thế giới.