Phạm Thùy Dung

Tôi thuộc lứa 8X đời đầu với kí ức tuổi thơ gắn với nhiều trò chơi hay các món đồ chơi dân gian. Trong số đó, tôi rất thích tò he bởi nó có sắc màu đẹp đẽ, hình dạng dễ thương và đáng nói là chúng còn ăn được. Tôi thường mong năm mới đến để được đi chợ Tết và ngắm nhìn thoả thích, lựa chọn những con giống xinh xắn mà bà hay mẹ tặng cho.

Tò he dân tộc Kinh

Tò he ban đầu được tạo ra để làm vật phẩm cúng lễ. Sau này, nó trở thành món đồ chơi được trẻ em yêu thích. Những bông hoa, con chim, con trâu, con ngựa… được lũ trẻ say mê chơi rồi cuối buổi đem ra nhấm nháp ngon lành. Theo năm tháng, hình ảnh những con tò he ngày ấu thơ dần xa xôi vì trong trong cuộc sống hiện đại, thứ đồ chơi này ít hiện diện quá.

Bột màu để nặn tò he
Tò he các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái

 Có những người nặn tò he để kiếm sống lúc nông nhàn. Họ lên phố, ra công viên, vào các lễ hội, hội chợ để nặn tò he tại chỗ và bày bán. Họ tạo ra những con giống bằng ý nghĩ vừa làm vui đời, vui người vừa lấy công làm lãi, nhặt nhạnh từng đồng. Nhưng cũng có những người coi nghề này là máu thịt, lẽ sống như nghệ nhân Nguyễn Văn Thành ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống Tò he Xuân La. Bên cạnh việc kế thừa những kỹ thuật làm tò he của các thế hệ trước như cách làm bột, tạo màu từ nguyên liệu thiên nhiên, nghệ nhân này còn sáng tạo ra kỹ thuật hấp cách thủy làm cho sản phẩm bền màu hơn, lưu giữ được hàng năm chứ không dễ bị mốc, hỏng trong vài ngày như trước đây. Anh luôn đau đáu với nghề, nuôi mơ ước các sản phẩm tò he của Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến và yêu thích. Anh mong muốn tò he không chỉ là món đồ chơi của trẻ nhỏ mà sẽ là sản phẩm mỹ nghệ mang hơi thở dân gian.

12 con giáp là chủ đề truyền thống của tò he

Duyên lành đã đến khi nhóm Vietnam Lens, gồm những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và luôn trân trọng những giá trị văn hóa, đã tìm đến nghệ nhân Nguyễn Văn Thành với ý tưởng tạo nên bộ tò he về 54 dân tộc anh em. Nhóm Vietnam Lens có những thành viên từng đi tới nhiều vùng miền, gặp gỡ và sinh hoạt cùng các dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S. Vì thế, họ hiểu rõ đặc trưng của mỗi tộc người với nét đẹp văn hóa bản địa. Họ muốn vẻ đẹp ấy được tỏa lan chứ không chỉ gói gọn trong một vùng đất xa xôi ít người biết đến. Hai bên đã dành thời gian trao đổi kỹ càng để làm nổi bật những chi tiết, tạo hình mà họ muốn thể hiện qua các tác phẩm tò he. Tôi đã không khỏi xúc động khi được ngắm 54 đôi tò he trong trang phục dân tộc với cái hồn sống động. Từng nét vuốt bột tâm huyết, chỉn chu đã khắc họa từ mũ, áo, khăn đội đầu đến nét mặt, dáng điệu… lột tả được vẻ độc đáo của mỗi tộc người. Các cặp trai gái người Bahnar, Ê đê, Jrai khoẻ khoắn trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ, chơi nhạc cụ cồng, chiêng. Chàng trai người Tày mặc chiếc áo màu chàm đang thổi sáo bên người bạn gái chơi đàn tính. Cô gái Thái vấn tóc điệu đà với chiếc khăn piêu, áo cóm và váy đen duyên dáng… Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chia sẻ rằng thời gian để tạo mỗi đôi tò he lâu hơn rất nhiều so với những mẫu phổ biến, từ khâu pha bột để ra được đúng màu trang phục đến việc tạo hình dáng, cử chỉ, cách chơi nhạc cụ dân tộc…

Tò he dân tộc Kinh

Tạo hình mềm mại với màu sắc tinh tế, trang phục cuốn hút… của những cặp tò he chính là thành công của sự kết hợp giữa nhóm Vietnam Lens và nghệ nhân Nguyễn Văn Thành khi họ dùng truyền thống để bảo tồn truyền thống, lấy bản sắc nâng niu bản sắc. Cùng với các phương thức như số hóa, vẽ tranh, chụp ảnh… đây cũng là một hướng đi rộng mở cho những ai muốn lưu giữ và tiếp nối văn hóa dân tộc.