Mai Chung
Không đâu trên Việt Nam có thể cảm nhận được sinh khí mùa lễ hội cuối năm rộn ràng, lung linh sắc màu như Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Điều tuyệt vời nhất là “hòn ngọc viễn Đông” luôn mở rộng vòng tay với tất cả tầng lớp, ở bất cứ chốn nào của thành phố, người ta cũng có cách tiêu khiển và sống hết mình cho mùa lễ hội.
Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) là nơi hội tụ của những chuyển động không ngừng nghỉ, là trung tâm kinh tế tài chính, là nơi cư ngụ của gần chín triệu dân từ mọi miền đất nước. Những năm gần đây Sài Gòn nổi lên là một thành phố quốc tế có sức thu hút và cạnh tranh mạnh mẽ với các thành phố quốc tế khác trong khu vực như Singapore, Bangkok hay Kuala Lumpur. Sự hòa nhập và phát triển phản ánh rõ nhất trong mùa lễ hội mừng năm mới. Ở đó ta thấy một Sài Gòn với sinh khí năng động, tươi mới và cuồng nhiệt, một màu rất Sài Gòn mà ta không thể tìm được ở Hà Nội hay Đà Nẵng.
Khoảng hơn mười lăm năm trước đây, dịp lễ Giáng sinh (sanh) và Phục sinh (sanh) chủ yếu được tổ chức rộn rã ở các xóm đạo ở quận 8, quận Tân Phú, quận Gò Vấp. Các khu phố, con hẻm được trang hoàng đèn hoa rực rỡ, cùng hang đá, Đức mẹ và Chúa hài đồng. Cộng đồng Công giáo đi lễ nhà thờ, đọc kinh, hát thánh ca. Những dịp này, các con đường về nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Cha Tam,… thường kẹt cứng. Từ xa cũng có thể nghe được tiếng chuông và những lời ca dâng thánh vang vọng lại.
Càng về sau, dịp lễ Giáng sinh và ngày đầu năm dần trở thành dịp lễ chung của người dân Sài Gòn. Các trung tâm thương mại lớn như Bitexco, Landmark 81.., khu vui chơi giải trí cho tới các khu chung cư cao cấp đều được trang hoàng lộng lẫy, thường gam màu đỏ là chủ đạo, với cây thông, ông già Tuyết và đàn tuần lộc, cùng với các chương trình khuyến mãi cuối năm. Những nơi này trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Sài Gòn mùa lễ hội, đặc biệt là những gia đình trẻ có con nhỏ. Đối với các công ty của Âu-Mỹ hoạt động tại Sài Gòn, ngày lễ Giáng sinh cũng là ngày nghỉ chính thức.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các lò nấu bia thủ công, beer-club (câu lạc bộ bia tươi) trở thành nơi ăn mừng năm mới của các bạn trẻ, đặc biệt là giới văn phòng. Các câu lạc bộ bia này cũng tổ chứcnhững chương trình đặc biệt trong dịp lễ hội như các trò chơi có thưởng, ca múa nhạc tạp kĩ,… Những lò bia nổi tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến là Pasteur Street Brewing Company, Heart of Darkness Brewery-Saigon, Biacraft Artisan Ales, East West Brewing Co, Winking Seal Beer Co,… Sau khi tụ tập ở những câu lạc bộ này, các bạn trẻ thường về Đại lộ Nguyễn Huệ để đón tiệc Count-down (Đếm ngược) mừng năm mới.
Đại lộ Nguyễn Huệ là nơi sôi động nhất ở Sài Gòn trong dịp năm mới. Công việc sắp đặt, trang trí thường diễn ra trước đó vài tuần và rất kì công. Mỗi năm chủ đề trang trí lại được thay đổi để tạo những điểm mới mẻ, hấp dẫn cho người dân tham quan. Các ca sĩ, nghệ sĩ có tên tuổi thường biểu diễn ở dịp lễ count-down cuối năm này, do đó càng thu hút nhiều người dân đổ về đại lộ Nguyễn Huệ.
Những anh chị tầm tuổi trung niên thường hẹn nhau ở các quán pub và speakeasy bar (những quán bar riêng tư, không quảng cáo rộng rãi) đang phát triển mạnh mẽ ở Sài Gòn. Nơi đây thường ít ồn ào so với beer-club, và có không khí thân mật và ấm cúng để bạn bè hàn huyên. Có một vài quán nổi tiếng thường phải bán vé đặt chỗ trước vào dịp cuối năm do khách đông đột biến.
Một điều đậm chất Sài Gòn là thành phố luôn có chỗ vui chơi cho tất cả mọi người. Nếu không phải là người theo đạo đi lễ nhà thờ đọc kinh, không phải người trẻ có thu nhập đi beer club, không phải là người có thu nhập cao để đi pub, speakeasy-club, thì vẫn có những cách riêng để vui mùa lễ hội. Các bạn thanh thiếu niên thì hẹn nhau ởtrước các cửa hàng tiện dụng như Circle K, Family Mart, Ministop và cùng nhau đọc rap, làm nhạc hip-hop, chơi đàn, nói chuyện trường lớp, chuyện “hot” trên mạng xã hội… Những anh chị lao động thì hẹn nhau ở những quán nhậu bình dân.
Khi quá nửa đêm, gần về sáng, lúc những cuộc vui đã tan, ở Sài Gòn, có những nhóm bạn đi tặng quà cho những người lao động tự do, người lang thang trong phố, ở các trạm xe bus, thềm các tòa nhà công sở. Không có gì to tát, có thể chỉ là gói bánh, hộp kẹo, chút đồ ăn. Sài Gòn là vậy, có một sự tử tế nhẹ nhàng, dân dã, như những quán cơm hai ngàn đồng, những bình trà đá miễn phí bên đường. Trong mùa lễ hội, người Sài Gòn cũng không quên tới những số phận kém may mắn hơn.