Theo Wanderlust
Từ những màn pháo hoa đầy màu sắc đến lễ hội nước lớn nhất thế giới, những lễ hội mùa xuân ở Thái Lan cho thấy sức hút không thể bỏ qua.
1. Đại lễ Bung Ban Fai
Bung Ban Fai – lễ hội tên lửa tự chế là một trong những lễ hội hoành tráng nhất ở Thái Lan. Người Thái hi vọng rằng, lễ hội truyền thống này sẽ là khởi đầu của những cơn mưa, yếu tố vô cùng quan trọng với nền nông nghiệp lúa nước ở đây.
Những quả pháo sử dụng cho lễ Bung Ban Fai được chế tác từ những ống tre dài, bên trong chứa thuốc súng và than củi, sau đó được trang trí bằng biểu tượng rắn Nagas tinh xảo.
Có nhiều huyền thoại giải thích tại sao người Thái lại đốt những quả pháo này vào thời điểm đầu xuân. Một trong số đó cho rằng, người Thái quan niệm mưa chỉ đến khi các vị thần đang quện thắm trong tình yêu. Vì vậy, để khuyến khích các vị thần yêu đương, người Thái mở tiệc trên khắp đất nước và phóng những quả tên lửa khổng lồ, có quả cao đến hơn 9m và chứa hơn 100kg thuốc súng, lên bầu trời.
Đại lễ Bung Ban Fai được tổ chức từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6, thời điểm chính xác khác nhau tùy thuộc vào khu vực. Lễ hội này diễn ra khắp Thái Lan, nhưng khu vực Isaan ở đông bắc Thái Lan sẽ là địa điểm hoàn hảo với du khách muốn trải nghiệm lễ hội sôi nổi và thú vị này.
2. Lễ hội Songkran
Đây là lễ hội té nước lớn nhất thế giới đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới ở Thái Lan. Songkran là thời điểm để người lớn và trẻ em tận hưởng khái niệm sanuk – vui chơi của người Thái. Những chiếc súng nước lớn bằng nhựa thường là vũ khí được nhiều người lựa chọn.
Nước là một yếu tố quan trọng trong văn hóa Thái Lan. Người Thái tin rằng hành động ném hoặc đổ nước lên người sẽ gột rửa các xui xẻo, đen đủi của năm cũ để họ có thể bắt đầu một năm mới sạch sẽ và may mắn.
Bên cạnh những trận té nước, một trong những hoạt động quan trọng nhất trong Lễ Songkran là tắm rửa tượng Phật. Trước khi tham gia vào các trận chiến té nước, người dân Thái sẽ lên chùa làm lễ và thực hiện nghi thức tắm phật bằng cách đổ những chai nước nhỏ đã chuẩn bị sẵn lên tượng đức Phật ở chùa.
3. Wan Lai
Wan Lai cũng là một lễ hội đặc biệt, diễn ra cùng lúc với Lễ Songkran ở tỉnh Chonburi, nằm giữa Bangkok và Pattaya.
Người Thái mang cát đến chùa để cúng góp vào việc xây dựng các ngôi tháp ở chùa. Việc làm này mang theo ý nghĩa trả lại số đất trong khuôn viên chùa mà bàn chân họ đã vô ý mang đi khi đến chùa trong suốt năm vừa qua. Truyền thống này đã phát triển thành lễ hội Wan Lai ngày nay.
Được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 4 hàng năm, lễ hội biến Bãi biển Bang Saen thành một phòng trưng bày nghệ thuật điêu khắc trên cát của những người thợ thủ công tuyệt vời. Hầu hết các tác phẩm có hình bảo tháp, tuy nhiên cũng có các hình khác, như voi, nàng tiên cá và xe tuk-tuk. Những người tham gia tỉ mẩn thực hiện các tác phẩm của mình trong nhiều ngày. Và sau khi hoàn thiện để giám khảo chấm điểm trong ngày cuối, tối hôm đó, các tác phẩm này sẽ được dỡ bỏ, bãi biển được dọn sạch như một minh dẫn cho lời dạy của Đức Phật “rằng không có gì là vĩnh viễn”.
4. Poy Sang Long
Nằm sâu trong lòng những ngọn núi ở miền Bắc Thái Lan là “thành phố của ba làn sương” – Mae Hong Son. Là thủ phủ của vùng, Mae Hong Son trở nên sống động hơn vào mỗi tháng 4 hàng năm với những lễ hội lộng lẫy bậc nhất Thái Lan. Lễ hội Poy Sang Long (còn được viết là Poi Sang Long) kéo dài ba ngày là nghi thức đánh dấu một cậu bé Thái bắt đầu xuất gia.
Nghi lễ bắt đầu với hành động cạo tóc các bé trai trong sân chùa. Hành động này tượng trưng cho việc từ bỏ của cải vật chất. Ngày hôm sau, các cậu bé được trang điểm, rồi mặc những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất, sau đó được người thân kiệu, diễu hành trên phố.
Trong thời gian nghi lễ, họ sẽ bắt đầu mỗi ngày bằng nghi thức cầu nguyện buổi sang tại đền và ăn tiệc. Tới ngày cuối cùng, các bé trai đổi bộ quần áo đẹp của mình thành bộ quần áo màu vàng nghệ tây chàng trai đổi bộ quần áo quyến rũ của mình lấy chiếc áo choàng màu vàng nghệ mang tính biểu tượng trước khi cạo lông mày, thực sự bắt đầu thời gian tu tập.
5. Phi Ta Khon
Lễ hội Phi Ta Khon, hay còn được biết đến với tên gọi lễ hội ma của Thái Lan, là lễ hội được tổ chức vào tháng 6 hàng năm.
Truyền thuyết kể rằng Hoàng tử Vessantara, hóa thân cuối cùng của Đức Phật, đã ra đi quá lâu nên mọi người cho rằng Ngài đã chết. Sau sự trở lại bất ngờ của Ngài, người dân địa phương đã vui mừng đến mức những màn ăn mừng cuồng nhiệt của họ đã đánh thức cả người đã khuất. Pi ta khon (“những hồn ma theo người”) bắt đầu lang thang trên đường phố, cùng tham gia ăn mừng bày tỏ sự kính ngưỡng đối với vị hoàng tử.
Ngày nay, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Phi Ta Khon, mọi người sẽ đeo mặt nạ đi khắp nơi dự tiệc với mục đích “đánh thức người chết” và chào đón họ tham gia lễ hội. Từ những chiếc mặt nạ đơn giản được làm từ tre, trang trí bằng bồ hóng và nghệ, giờ những chiếc mặt nạ được sử dụng trong lễ hội Phi Ta Khon đã phát triển thành những thiết kế tuyệt đẹp được vẽ vô cùng tỉ mỉ. Chúng không còn là những món đồ bỏ đi sau lễ hội. Những chiếc đẹp và tỉ mỉ nhất, thậm chí còn được bán với giá hàng nghìn bahts.
Bài viết liên quan: